Với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 60%, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã tập trung chăm lo đời sống, giới thiệu việc làm để tăng thu nhập cho người dân, trong đó có công tác xóa nhà tạm đang được quan tâm, chú trọng.
Người dân phấn khởi thoát nghèo
Huyện Lạc Dương là huyện giáp danh của TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, chiếm khoảng 60%, chính vì vậy, công tác chăm lo đời sống, phát triển kinh tế cho người dân được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm trong những năm qua.
Theo UBND huyện Lạc Dương, đến nay, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế.
Trong những năm qua, công tác xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được chính quyền huyện Lạc Dương quan tâm, chú trọng.
Có mặt tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) phóng viên theo chân cán bộ xã đến những căn nhà kiên cố đã được chính quyền hỗ trợ những gia đình hộ nghèo, cận nghèo xây dựng.
Với tiêu chí 3 cứng: Nền cứng, tường cứng, mái cứng thì nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại xã đã thoát nghèo, có công ăn việc làm.
Tại căn nhà chừng 50 mét vuông của gia đình mới được xây dựng hơn 1 năm từ chương trình xóa nhà tạm, anh Kră Jăn Ha Lê Niss (thôn 1, xã Đạ Sar) cho biết: "Năm 2024, tôi được chính quyền xã hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố trên mảnh đất của gia đình. Tôi vay thêm 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà tổng trị giá 150 triệu đồng. Căn nhà giờ là tổ ấm của gia đình tôi với 4 thành viên.
Không những được xây nhà, vợ chồng tôi còn được lãnh đạo xã Đạ Sar giới thiệu làm công nhân cho công ty nước ngoài, giờ còn có thu nhập ổn định, được thoát nghèo, hy vọng vài năm nữa tích cóp được tiền để mua thêm mảnh vườn nho nhỏ. Gia đình tôi rất cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và huyện Lạc Dương".
Anh Kră Jăn Ha Lê Niss phấn khởi vì đã thoát nghèo sau khi được chính quyền xã Đạ Sar hỗ trợ xây nhà, giới thiệu việc làm ổn định.
Anh Kră Jăn Ha Lê Niss cho biết, hiện hai vợ chồng anh làm công nhân cho công ty nước ngoài chuyên trồng rau sạch với tổng tiền lương hơn 10 triệu đồng. Với số tiền trên, vợ chồng anh có tiền trang trải sinh hoạt, dự kiến cuối năm 2025 sẽ trả hết số nợ vay mượn để xây nhà. Điều này cũng giúp vợ chồng anh thoát được cảnh làm thuê, ai kêu gì làm đó thất thường trước đây.
Trong khi đó, chị Lơ Mu Ka Jiêng (hộ cận nghèo tại thôn 3, xã Đạ Sar) cũng không giấu được niềm vui khi chồng và anh em, họ hàng đang tháo bỏ căn nhà gỗ đã xuống cấp nhiều năm qua để lấy diện tích xây dựng căn nhà do chính quyền hỗ trợ.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2024-2025, toàn huyện Lạc Dương được hỗ trợ xây 15 căn xây mới. Trong đó, năm 2024 được phân bổ 7 căn và đã hoàn thành đưa vào sử dụng, năm 2025 thực hiện 8 căn xây mới. Dự kiến, đến hết tháng 5/2025 sẽ bàn giao 8 căn nhà trên cho người dân sử dụng.
Chị Lơ Mu Ka Jiêng cho biết rất phấn khởi vì được xã Đạ Sar hỗ trợ xây nhà vào đầu năm 2025.
"Căn nhà gỗ của vợ chồng tôi đã xuống cấp, mùa mưa thường bị dột và chảy nước vào nhà. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2025, chúng tôi được xây căn nhà khoảng 50 mét để ổn định cuộc sống.
Gia đình tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ để chúng tôi có căn nhà xây để che nắng che mưa. Nếu không được hỗ trợ, không biết đến bao giờ chúng tôi mới xây được nhà", chị Ka Jiêng chia sẻ.
Tập trung xóa nhà tạm
Trao đổi với phóng viên, ông Cil Ha Mac – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đạ Sar cho biết, trong năm 2025, xã đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp với Ban nhân dân các thôn, tiến hành rà soát thống kê để báo cáo nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà tạm bợ, dột nát trên địa bàn xã.
Quá trình rà soát, toàn xã có 5 hộ cận nghèo đã xuống cấp có nhu cầu được xây mới. Hiện, chính quyền xã Đạ Sar đang tập trung xây dựng nhà kiên cố cho 5 hộ gia đình trên để ổn định cuộc sống, sớm thoát nghèo.
Đến hết tháng 5/2025, xã Đạ Sar sẽ bàn giao 5 căn nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo để ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huệ - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện còn 2,5%. Tương ứng với 198 hộ, trong đó còn 21 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,3%) và 177 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 2,2%).
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Dương còn 3,9% tương ứng với 197 hộ. Trong đó, toàn huyện còn 21 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,4%), 176 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,5%)
Về công tác xóa nhà tạm tại huyện Lạc Dương, trong giai đoạn 2021-2025, bằng các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ nguồn vận động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở từ "Quỹ vì người nghèo" của Trung ương, của tỉnh, của huyện, các tổ chức cá nhân và từ nguồn chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây 262 căn nhà cho 262 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí thực hiện gần 16,5 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, toàn huyện Lạc Dương đã xây dựng được 262 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
Các ngôi nhà được xây dựng với tiêu chí 3 cứng: Mái cứng, tường cứng, nền cứng.
Cũng theo bà Huệ, trong 262 căn nhà trên, có 117 căn (trị giá hơn 10,5 tỷ đồng) được huy động từ nguồn xã hội hóa. 121 căn nhà được xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó góp phần đảm bảo đời sống nhân dân, trong đó có một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tiếp cận nơi ở an toàn, từng bước vươn lên thoát nghèo.
"Trong những năm qua, các chính sách giảm nghèo đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện Lạc Dương. Từ đó, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh.
Điều đáng mừng nhất là đời sống người nghèo từng bước được cải thiện với việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt, tiếp cận thông tin, nguồn nước hợp vệ sinh, xóa nhà tạm... Chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp người nghèo có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, người nghèo mạnh dạn hơn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên, bà Nguyễn Thị Huệ nhận định.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-huyen-o-lam-dong-dang-xoa-nha-tam-tim-cach-tang-thu-nhap-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20250211220451502.htm
Bình luận (0)