(Tổ Quốc) – Điện ảnh Việt gần đây đã khởi sắc với khá nhiều bộ phim đạt doanh thu trăm tỉ, đồng thời cũng cân bằng yếu tố giải trí và nghệ thuật, đề cập những câu chuyện nhân văn, mang tính thời đại. Tuy nhiên, để có những tác phẩm lớn, theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, câu chuyện đầu tư cho điện ảnh vẫn cần quan tâm.
Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo – Cất cánh” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức diễn ra từ ngày 7-11/11 với các hội thảo, các hoạt động chiếu phim, Chợ dự án, giao lưu… góp phần thúc đẩy, phát triển điện ảnh Việt Nam đã khép lại. Bên lề Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú- Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã chia sẻ cũng chúng tôi câu chuyện về khát vọng có được tác phẩm điện ảnh đỉnh cao, để điện ảnh Việt sáng tạo và cất cánh.
+ Thưa PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, gần đây, điện ảnh Việt ghi dấu bằng những bộ phim giải trí nhẹ nhàng, được làm khá cẩn thận, hay nói đúng hơn là các nhà làm phim giải trí cũng bắt đầu tôn trọng yếu tố nghệ thuật. Theo ông, đây là có một xu hướng tốt nên khuyến khích để điện ảnh Việt Nam cân bằng giữa yếu tố giải trí và nghệ thuật hay không?
– Đây là một xu hướng tốt. Bởi theo tôi, đã là sáng tạo thì không có biên giới, nó không có biên giới kể cả với người sáng tạo vì sáng tạo sau cố gắng không lặp lại sáng tạo trước dù có thành công đến mấy. Bên cạnh đó, vấn đề bản sắc, nếu anh đi đến tận cùng của bản sắc sẽ đi đến được với trái tim của nhân loại. Cho nên càng nhiều phim, càng nhiều cách kể, càng nhiều tác giả tham gia, càng nhiều dạng phim dạng thức khác nhau thì càng có điều kiện cho khán giả có sự lựa chọn.
Ví dụ như điện ảnh Ấn Độ, 1 năm họ sản xuất 1000 phim, họ chiếu thị trường nội địa của họ cũng đã đủ thu hồi vốn chứ chưa cần phải bán cho nước ngoài. Vì vậy, với một thị trường lớn như thế, làm phim nhiều như thế thì khán giả có quyền lựa chọn, khán giả có thể xem phim này, không xem phim kia. Và việc thích hay không thích là chuyện rất bình thường, đó là điều tự nhiên và quy luật đào thải, phim có đông khách thì chứng tỏ nó đã đến được với trái tim của đông đảo người xem. Và nó cũng phụ thuộc nhiều yếu tố nữa đó là yếu tố về kỹ thuật, diễn xuất, tên tuổi của các nghệ sĩ tham gia phim và một yếu tố quan trọng là yếu tố của truyền thông. Truyền thông mạnh, thấm bằng nhiều cách không chỉ trên truyền hình, báo chí, poster phim mà còn qua truyền miệng của những người xem, nó tạo ra một cơn sốt, cơn sốt của số đông như thế rất quan trọng. Đặc biệt trên nền tảng số bây giờ, rất nhiều phương tiện để truyền thông từ zalo, facebook…. Nó hoàn toàn phù hợp với thời đại bây giờ.
+ Trên thế giới không thiếu những bộ phim thương mại nhưng rất nghệ thuật và sự thật chứng minh, phim thu hút khán giả, ngoài yếu tố giải trí thì phải có chất lượng cao. Theo ông, điện ảnh Việt Nam phải làm sao để có được những tác phẩm chất lượng cao?
– Thực tế điện ảnh thế giới cũng tồn tại hai dòng là phim nghệ thuật để hướng tới các liên hoan phim và các giải thưởng, còn phim thương mại hướng đến khán giả và việc thu hồi vốn. Trước đây, những người làm điện ảnh đều nghĩ vậy nhưng trên thực tế quan điểm cũng cần phải thay đổi.Thương mại cũng cần phải có nghệ thuật, nghệ thuật cũng cần phải có thương mại.
Như chúng ta thấy, phim Titanic của đạo diễn James Cameron, hướng tới thương mại nhưng phim thật sự nghệ thuật và đoạt được rất nhiều giải Oscar, trở thành một trong những bộ phim sống mãi với thời gian. Và bây giờ, sau gần 30 năm bộ phim ra đời, xem lại bộ phim chúng ta vẫn thấy được sự dàn dựng rất công phu, rất nghệ thuật nhưng rất hướng đến khán giả. Vấn đề ở chỗ, dù trong một bộ phim chúng ta có truyền tải một thông điệp rất “ghê gớm” đi chăng nữa nhưng nếu không có khán giả thì cũng sẽ thất bại. Bên cạnh đó, bây giờ, thật sự có rất nhiều bộ phim đoạt giải của các liên hoan phim quốc tế nhưng khi chiếu lại không có khán giả xem. Vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, yếu tố của truyền thông, thị hiếu khán giả, yếu tố của thời điểm phát hành bộ phim đó.
Như chúng ta cũng biết, tại các rạp chiếu phim, họ có những phòng chiếu, suất chiếu khác nhau, nếu như tỷ lệ doanh thu của bộ phim đó thấp họ sẽ rút bộ phim đó ra để thay thế bằng một bộ phim khác, theo mục tiêu kinh doanh của họ. Vì vậy, một bộ phim hay rất nghệ thuật nhưng chỉ tồn tại trong hệ thống rạp chiếu 2-3 ngày thì không nói lên được điều gì và sẽ không hy vọng được có doanh thu cao.
Vậy nên, khi Nhà nước xác định đầu tư cho một bộ phim nào đó, Nhà nước sẽ luôn luôn quan tâm đến vấn đề nội dung và lâu nay vấn đề tài trợ, đặt hàng của Nhà nước thường hướng đến những bộ phim có giá trị nhân văn, lịch sử truyền thống cách mạng. Đó là tiêu chí của Nhà nước bởi tư nhân không đầu tư sản xuất lĩnh vực đó nên Nhà nước làm việc đó rất là tốt. Tuy nhiên, Nhà nước cũng đang bắt đầu phải nghĩ đến chuyện những bộ phim như thế cũng cần có người xem. Nhưng hiện nay vẫn đang bị vướng mắc ở câu chuyện đầu tư công và đầu tư tư, là một bộ phim khi được tài trợ sản xuất thì cần phải đầu tư phát hành cho nó, quảng cáo cho nó, đó mới là tài trợ đồng bộ.
Còn nếu chỉ đầu tư ở một khâu sản xuất, nghiệm thu xong chiếu vài buổi rồi cất vào kho nó chỉ là đầu tư đoạn đầu. Giai đoạn sau thì các rạp chiếu thuộc quyền quản lý của tư nhân, chỉ có một vài rạp thuộc quyền quản lý của Nhà nước nên đường đến của các phim do Nhà nước đặt hàng sẽ khó đến được với các rạp chiếu bình thường, vì không cơ chế “ăn chia” theo tỷ lệ. Đó chính là điểm nghẽn của cơ chế mà cần phải giải quyết để làm sao không bị lãng phí.
+ Gần đây Việt Nam mới bắt đầu có thêm một vài Liên hoan phim nữa như: Liên hoan Phim quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan Phim châu Á – Đà Nẵng, trong khi đó các nước trên thế giới có rất nhiều Liên hoan phim, Việt Nam mới có 2-3 Liên hoan phim những đã bị cho rằng có nhiều Liên hoan phim quá. Theo ông, các Liên hoan phim đem lại lợi ích như thế nào đối với một nền điện ảnh?
– Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2023, có quy định rõ về việc mở rộng tất cả các tập thể, cá nhân, pháp nhân đều có quyền tổ chức các liên hoan phim, theo chúng tôi đây là một điểm tiến bộ rất hay của Luật Điện ảnh. Không cấm tổ chức liên hoan phim mà vấn đề ở chỗ tùy theo điều kiện của người tổ chức, đơn vị tổ chức liên hoan phim có kinh phí để làm hay không. Vì còn liên quan đến quy mô tổ chức, kinh phí tổ chức, giá trị giải thưởng, thành phần ban giám khảo… Nên nếu có kinh phí nhiều sẽ tổ chức được liên hoan phim có quy mô mở rộng, nếu kinh phí ít sẽ làm qua loa không đúng với kỳ vọng đặt ra.
Vừa rồi Việt Nam có vài liên hoan phim được tổ chức như: Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng, Liên hoan phim quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội… Theo tôi, càng có nhiều liên hoan phim được tổ chức sẽ càng có nhiều thuận lợi cho điện ảnh. Đây là dịp để những người làm phim được giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, các liên hoan phim giống như một “ngày hội” của ngành để làm sao cho hoạt động của điện ảnh, trong đó có hoạt động của liên hoan phim có điều kiện để phát triển. Và nếu quy mô tổ chức tốt có thể mời các đoàn làm phim của nước ngoài đến để người ta biết nhiều hơn về điện ảnh Việt Nam. Trong các chuỗi hoạt động của liên hoan phim không chỉ là chiếu phim, chấm phim và trao giải mà còn có chợ dự án phim, các hội thảo để có thể mở ra nhiều những cái liên quan, gần như phối hợp thành một chuỗi các hoạt động thúc đẩy giao lưu, phát triển điện ảnh. Theo tôi, dù Việt Nam có tổ chức 3 hay 5 liên hoan phim cũng chưa phải là nhiều, mà vấn đề cách tổ chức như thế nào để có nhiều hiệu quả nhất.
+ Như ông nói, phim Titanic vừa thương mại nhưng cũng rất nghệ thuật nên rất thu hút khán giả, còn điện ảnh Việt Nam vẫn đang thiếu những tác phẩm tương tự. Theo ông, điều gì khiến cho điện ảnh Việt thời gian gần đây chưa có những tác phẩm vừa nghệ thuật, vừa thu hút khán giả?
– Việt Nam chúng ta không thiếu những nghệ sĩ tài năng, không thiếu kịch bản hay nhưng vấn đề vốn, đầu ra như thế nào mới là vấn đề. Chính vì thế, chúng ta vẫn thấy đầu tư cho một bộ phim 20-30 tỷ, và cho rằng đó là sự đầu tư lớn cho một phim so với điều kiện của Việt Nam nhưng so với thế giới, đầu tư đó vẫn rất khiêm tốn.
Nên theo tôi, cái quan trọng nhất là nguồn vốn để đầu tư, để cho các nghệ sĩ có thể mang tác phẩm của mình đến với hiện thực. Trong đó, có sự chọn lọc, từ phim thứ nhất người đạo diễn sẽ rút kinh nghiệm cho phim sau, cứ như thế một đạo diễn có thể làm được 5-10 phim, mà nhiều đạo diễn làm được từ 5-10 phim thì chúng ta sẽ có hàng trăm phim, hàng nghìn phim, cuối cùng là để chúng ta có nhiều sự lựa chọn. Như thế, theo tôi, mới có tác phẩm đỉnh cao. Tuy từ đỉnh cao vẫn còn rất trừu tượng chưa có định tính, định lượng cụ thể, chỉ là quan niệm của chúng ta. Nhưng như chúng ta thấy, có các bộ phim của đạo diễn trẻ có 500-600 tỷ, nhưng nhiều người nói đấy không phải đỉnh cao, đấy chỉ là đoạt doanh thu cao, nhiều người xem. Đỉnh cao như thế nào thì cũng không ai xác định. Chúng ta cũng thật sự mừng khi có nhiều bộ phim đến với rạp, chiếm tỷ lệ chiếu nhiều ngày, khán giả xem phim nhiều, nói về phim đó nhiều hơn … Đây cũng là điều đáng mừng cho điện ảnh Việt.
+ Xin cảm ơn PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú!
Nguồn: https://toquoc.vn/dien-anh-viet-can-gi-de-co-tac-pham-dinh-cao-20241111174523235.htm