Xuất khẩu quế năm 2023 thu về 260,9 triệu USD 4 tháng, xuất khẩu quế thu về 65,2 triệu USD |
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu quế trong tháng 6 đạt 11.333 tấn quế với kim ngạch đạt hơn 30,6 triệu USD, tăng 1,4% so với tháng trước đó.
Tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam xuất khẩu được 44.528 tấn quế với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 126,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 3,9% tuy nhiên kim ngạch giảm 1,8%. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam chiếm 33,5% đạt 15.040 tấn.
Ấn Độ nhập khẩu khoảng 11-12 triệu tấn gia vị mỗi năm. Trong đó, Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022 – 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế nhiều nhất của Việt Nam |
Theo đánh giá, quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Hiện Ấn Độ nhập khẩu quế từ Việt Nam với 2 mục đích, bao gồm chế biến tiêu thụ trong nước và chế biến để xuất khẩu.
Không chỉ sở hữu riêng cây quế, Bộ Công Thương cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng, tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.
Ngành tinh dầu quế có tiềm năng phát triển lớn, bởi nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới rất cao, luôn ở mức cung không đủ cầu, do cây quế chỉ trồng phổ biến ở một vài nước châu Á.
Các chuyên gia cũng nhận định rằng, trong vòng 10 năm tới, thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15 tỷ USD. Riêng thị trường quế, từ nay tới 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm sẽ là 14%. Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam khi quế là loại gia vị rất được yêu thích tại các nước.
Theo thống kê, diện tích trồng quế của Việt Nam lên tới 180.000 ha tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Đáng chú ý, cây quế được trồng phổ biến tại Việt Nam nhưng trên thế giới lại có rất ít quốc gia trồng được. Các quốc gia khác trồng được cây quế gồm có Trung Quốc, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka hay một số nước khu vực Nam Mỹ.
Quế tên khoa học là Cinnamomum loureirii Nees; họ long não (Lauraceae). Cây to, cao 10 – 20m, vỏ ngoài nứt nẻ, thân phân nhiều nhánh. Cây mọc hoang trong rừng, hoặc trồng bằng hạt, hay chiết cành, sau 5 năm có thể thu hoạch, nhưng vỏ quế bóc sau 20 – 30 năm thì tốt nhất. Vỏ quế bóc vào tháng 4 – 5 hay 9 – 10 sẽ dễ hơn vì đây là giai đoạn quế làm nhựa.
Thông thường, những rừng quế thấp thì chỉ khoảng 3-5 năm là người dân có thể thu hoạch. Tuy nhiên đối với sản phẩm chất lượng cao thì yêu cầu cây quế phải trên 15 năm tuổi. Tất cả bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có thể dùng được. Nhưng người ta chủ yếu thu hoạch vỏ quế, cành quế hay lá để phơi khô hoặc cất tinh dầu.
Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000 – 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 – 80.000 tấn/năm. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD vào năm 2022.
Nguồn: https://congthuong.vn/diem-ten-thi-truong-xuat-khau-que-nhieu-nhat-cua-viet-nam-331197.html