“Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân", hơn 60 năm qua, thực hiện lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác Hồ, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh phong trào trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm mới, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên kiểm tra vườn ươm cây giống phục vụ Tết trồng cây, trồng rừng. Ảnh: Thế Hùng
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, hòa trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu Xuân, bà Đỗ Thị Bích Liên, khu Lập Đinh, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) chuẩn bị hiện trường trồng bổ sung cây xanh cho 40 ha rừng sản xuất.
Để có được diện tích rừng trồng đạt chất lượng, tỷ lệ cây sống cao và ngày càng nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế rừng trồng, gia đình bà Liên đã lựa chọn cây con đủ tiêu chuẩn, trong đó phần lớn sử dụng giống cây mô, hom, cây dược liệu kết hợp dưới tán rừng.
Thành phố Phúc Yên là địa bàn có diện tích rừng lớn thứ 2 của tỉnh, với hơn 4.500 ha, tập trung tại 4 xã, phường: Ngọc Thanh, Cao Minh, Đồng Xuân và Xuân Hòa; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định 33,31%. Năm 2024, thành phố trồng được 135 ha rừng tập trung; 127 nghìn cây phân tán; sản lượng khai thác gỗ đạt 8.650 m3.
Với phương châm trồng cây phù hợp điều kiện từng nơi, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, UBND các xã, phường có rừng thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng; quảng bá hình ảnh, tiềm năng về cảnh quan, tài nguyên rừng nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư và nâng cao nhận thức của nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Hạt Kiểm lâm thành phố triển khai các giải pháp phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng đầu nguồn; phát triển các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp kết hợp, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên của rừng. Năm 2025, thành phố phấn đấu trồng 135 ha rừng tập trung; hơn 120 nghìn cây phân tán.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, việc trồng cây, trồng rừng gắn với phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” càng trở nên có ý nghĩa thiết thực.
Thực hiện Quyết định số 524 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 896 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050”, hằng năm, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đều tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, của việc trồng cây, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai; phát động các phong trào thi đua như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai” và “Đường hoa, vườn hoa công cộng” tại địa phương.
Trong 4 năm (2021 - 2024), toàn tỉnh trồng được hơn 2.700 ha rừng, hơn 3,3 triệu cây phân tán. Nhiều tổ chức đã đầu tư kinh phí triển khai trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh như Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã trồng hơn 1 nghìn cây tại các trường học của huyện Lập Thạch, Sông Lô, tổng giá trị hơn 500 triệu đồng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Đô dành 500 triệu đồng mua hơn 1 nghìn cây và trồng tại các trường học thuộc huyện Vĩnh Tường; Công ty TNHH quảng cáo và truyền thông Tấm, Cám tổ chức trồng 1.000 cây ngọc lan vàng tại Khu danh thắng Tây Thiên; Công ty Honda Việt Nam tổ chức trồng 8.000 cây phân tán tại huyện Tam Đảo "Với mục tiêu vì một Việt Nam xanh"...
Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng gần 740 nghìn cây phân tán, 600 ha rừng tập trung, giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng 25% theo chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh tiếp tục tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ năm 2025 tại Công viên khu di tích Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) vào ngày 6/2 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn loài cây trồng có giá trị nhiều mặt, phù hợp với điều kiện đất đai của từng địa phương; sử dụng các giống cây được sản xuất từ công nghệ tiên tiến như mô, hom; ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, cây đa mục đích tạo cảnh quan, môi trường gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh... góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Mai Liên
https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123223/Trong-cay-dau-Xuan-gan-voi-bao-ve-phat-trien-rung-hieu-qua
Kommentar (0)