Quyets Geschichte: Vom Straßenkind zu einer schicksalsverändernden Begegnung

(Dan Tri) – Quyet hat drei Jahre auf der Straße gelebt und dabei alles Böse erlebt, das einem Kind schaden kann. Bis eines Tages eine besondere Begegnung mit einer fremden Frau sein Schicksal veränderte.

Báo Dân tríBáo Dân trí03/02/2025


Một ngày của năm 2017, khi đang ngồi trong công viên Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) với chiếc bụng đói cồn cào và nỗi lo về bữa ăn tiếp theo, một người phụ nữ tiến lại gần Đồng Quang Quyết. 

Ba năm sống trên đường phố, mọi thứ với đứa trẻ như Quyết đều trở nên hoài nghi. Cậu không còn tin ai sau những lần bị lừa, song miễn cưỡng lắng nghe người phụ nữ xa lạ trước mắt. 

Cô ấy kể về Blue Dragon - một tổ chức hỗ trợ trẻ em đường phố - và cam đoan Quyết có thể nhận được những bữa ăn nóng hổi tại trung tâm. Lời kể về những bát cơm nóng, đậu phụ, thịt và rau xanh, là tất cả cậu nghe được lúc đó. 

Quyết không thể cưỡng lại chiếc bụng rỗng, quyết định một lần nữa đánh cược với số phận. 

Và lần này, cậu đã thắng! 

"Vào thời điểm đó trong đời, tôi đã bị tổn thương và đau đớn nhiều đến mức tôi không tin rằng trên đời này còn có người tốt", Quyết nói.  

Quang Quyết, hiện 25 tuổi, chủ một đội xe nhỏ ở Hà Nội (Ảnh: Tô Sa).

Chạy trốn 

Quyết là con thứ ba trong một gia đình có bốn anh em tại Nam Định. Bố mắc bệnh não khiến đầu óc không tỉnh táo, mọi gánh nặng đè lên đôi vai người mẹ. Bà làm đủ công việc lặt vặt để mưu sinh, tuy nhiên mọi nỗ lực là không đủ. Mỗi ngày với họ là một cuộc chiến khốc liệt để tồn tại. 

Đứa trẻ đến trường không hòa đồng được với các bạn cùng trang lứa, về nhà hai mẹ con khắc khẩu đến mức không thể giao tiếp hay chia sẻ được với nhau.

Cậu thấy cuộc đời của mình không có lối thoát nào cả nên năm 12 tuổi đã quyết định dừng học, cầm 100.000 đồng bà nội cho để mua vé xe một chiều lên Hà Nội. 

"Tôi muốn thay đổi cuộc đời", Quyết nói. 

Đặt chân đến Hà Nội, Quyết vào các quán ăn chủ động xin việc làm. Đứa trẻ tìm được một công việc tại quán phở, nơi chủ quán hứa sẽ cho cậu một nơi ăn, chốn ngủ và tiền lương hàng tháng. 

Quyết làm việc quần quật từ 5h đến 14h, ngủ trưa trên manh chiếu tạm bợ ở nền đất, 16h tiếp tục làm việc đến nửa đêm. Thứ đợi chờ cậu là những bữa ăn đạm bạc, còn những đồng tiền lương trong lời hứa hẹn chẳng bao giờ đến tay. 

Sau nửa năm, Quyết dự định về thăm nhà. Cậu hỏi về tiền công, thì người chủ lập tức đuổi cậu ra khỏi quán. Quyết nhớ mãi một ngày mùa đông năm 2012, cậu bị đuổi ra khỏi đường, đúng một bộ quần áo trên người, không một đồng tiền. Đó cũng là bước chân đầu tiên cậu khám phá Hà Nội. 

Không biết đi đâu, Quyết ngồi trước cửa một quầy thuốc gần quán, nơi duy nhất cậu quen thuộc trong thành phố xa lạ này, cho đến khi một người phụ nữ tốt bụng dừng lại cho cậu tiền mua vé xe về nhà. 

Tuy nhiên, khi cầm tiền trên tay, Quyết do dự. Về quê, cậu biết chỉ có sự bắt nạt, những áp lực và sự vô vọng. Quyết chọn ở lại làm chủ số phận, cầm số tiền đó đi mua một chiếc làn, bàn chải và hộp xi, bắt đầu nghề đánh giày. 

Khách hàng đầu tiên của Quyết là chú bảo vệ trước cổng một bệnh viện - người đã dạy cậu cách đánh bật tông cho những đôi giày đen và nâu. Nhận tiền công 10.000 đồng đầu tiên, Quyết không dám mơ về một bữa ăn. Cậu chỉ mua ổ bánh mì chuột giá 2.500 đồng. 

Thời gian đầu, Quyết lang thang khắp đường phố, bạ đâu ngủ đấy. Công việc đánh giày giúp cậu kiếm đủ tiền để có một chỗ ngủ trong một căn phòng thuê chung với nhiều người khác. Để tồn tại ở Hà Nội, cậu làm đủ nghề, từ đánh giày, trông quán trò chơi điện tử đến hái sấu bán lấy tiền. 

Một ngày nọ, một người đàn ông đến và giới thiệu với Quyết công việc bán kẹo rong. Cậu đồng ý và bắt đầu làm việc quần quật từ sáng đến tối. Nhưng chỉ sau vài ngày, người đàn ông biến mất, mang theo toàn bộ số tiền mà cậu khó nhọc kiếm được. 

"Ba năm sống trên đường phố, suy nghĩ của tôi khi đó tiêu cực đến mức cùng cực. Những kẻ xấu chỉ muốn "khai thác" và lợi dụng trẻ em đường phố. Tôi bất lực, hận thù cuộc sống này", Quyết nói. 

Bước ngoặt 

Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ trong vườn hoa Ngọc Lâm đã mở ra cho Quyết một bước ngoặt. Nhớ lại lần đầu đặt chân đến trung tâm Blue Dragon, cậu ăn bữa trưa mà "món nào cũng ngon tuyệt". Từ đó, Quyết lui tới trung tâm nhiều hơn để nhận những bữa ăn miễn phí, dần buông bỏ sự đề phòng. 

Tại đây, cậu gặp gỡ Michael Brosowski - nhà sáng lập Blue Dragon. Người đàn ông ngoại quốc đã vô cùng kiên nhẫn với Quyết. 

Sau giờ làm, Michael đều dành 10-15 phút trò chuyện với cậu trên vỉa hè. Ông còn dạy đứa trẻ đọc sách, tặng cậu cuốn sách đầu tiên mang tên Quẳng gánh lo đi mà vui sống

Quyết vẫn cảnh giác với mọi thứ, nhưng những cuộc trò chuyện với Michael đã giúp cậu dần lấy lại niềm tin.  

Quyết và bữa ăn nóng hổi tại trung tâm Blue Dragon (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Giữa tháng 11/2015, Michael hẹn cậu bé đi ăn tối với mình. Khi cả hai đến một khách sạn sang trọng ở quận Tây Hồ, Quyết biết rằng đây không phải một bữa ăn bình thường. 

Lúc này, Michael mới thông báo sẽ tới tiệc chiêu đãi của Thủ tướng New Zealand John Phillip Key, nhân chuyến thăm Việt Nam của ông. 

"Tôi chẳng thấy có sự khác biệt nào giữa những người mặc vest thắt cà vạt và một cậu thiếu niên đánh giày", Michael nhớ lại cuộc gặp cách đây 10 năm. 

Nghe xong, Quyết không lo lắng, càng không quan tâm. Cậu nói những đứa trẻ đường phố như cậu đã mất hẳn một phần cảm xúc. Bước chân vào sảnh khách sạn, điều đầu tiên đập vào mắt đứa trẻ là sự xa hoa khác hẳn vẻ ngoài của cậu. 

"Tôi là một đứa trẻ đường phố, quần áo sơ sài, bất kỳ ai cũng có thể coi thường, nhưng ở đó, không ai coi thường tôi. Mọi người chào đón tôi nồng nhiệt, giúp tôi hòa nhập vào những cuộc vui của họ", Quyết kể. 

Cuộc gặp gỡ hôm đó đã nhen nhóm trong Quyết một ước mơ. Cậu muốn trở thành người có cách cư xử lịch thiệp và đáng quý như họ. Nhờ sự giúp đỡ của Blue Dragon, Quyết bắt đầu quay lại trường học, bởi cậu biết kiến thức chính là nền tảng để trở thành một người tử tế. 

Quyết kiên trì học đến lớp 12. Mọi thứ thay đổi dần khi cậu bắt đầu làm nghề xe ôm, sau vài tháng chàng trai đặt mục tiêu mua ô tô để chạy taxi. Cậu lên mạng xã hội tìm hiểu kiến thức, thông tin về ô tô. Khi hiểu rõ về phương tiện này, cậu mua chiếc xe đầu tiên dù chưa có bằng lái, trong tay chỉ có 50.000 đồng. 

"Tôi đã nhờ một người đứng ra vay ngân hàng để đủ tiền mua xe, sau đó đăng ký học lái", chàng trai kể. 

Cảm giác lần đầu cầm vô lăng, chở khách hàng đầu tiên, khiến Quyết nhận ra đây chính là con đường của mình. "Dù có thế nào đi chăng nữa, tôi phải làm bằng được", cậu tự nhắc nhở bản thân. 

Quyết quay lại trường học, quyết định thay đổi số phận (Ảnh: Nhân vật cung cấp). 

Làm chủ 

Mua xe không bao lâu, Covid-19 ập đến. Trước khi Hà Nội giãn cách toàn thành phố, Quyết lái xe về quê tìm cách tồn tại giữa đại dịch. Nhận thấy "tài nguyên" trên mạng xã hội, anh lập một trang Facebook thu hút khách, chạy xe tuyến Hưng Yên-Nam Định. 

Mỗi ngày, anh chỉ chạy một chuyến với giá cao hơn bình thường. Trước thời hạn một năm, anh đã trả hết nợ cho chủ xe, đóng lãi ngân hàng. Sau dịch, anh bỏ mô hình này vì nhận ra nó chưa đủ màu mỡ để phát triển. 

"Trong tư duy, tôi muốn tiền làm việc cho mình, chứ không phải mình làm việc cho tiền. Biến cố năm 12 tuổi giúp tôi nhận ra tôi muốn làm chủ cuộc đời mình", Quyết nói. 

Những năm tháng ở quê, Quyết học cách kết nối lại với gia đình. Anh chủ động nói chuyện, quan tâm mẹ nhiều hơn, luôn tìm cách hướng về gia đình. 

Mỗi lần về nhà, Quyết buông bỏ hết những muộn phiền ngoài xã hội, chỉ dành trọn sự ấm áp và yêu thương. Anh thích đi chợ, chọn từng loại thực phẩm về cho mẹ nấu cơm. Anh nghĩ khi có người quan tâm đến từng bữa ăn, bố mẹ sẽ không còn cảm giác đơn độc nữa. 

"Nhờ gia đình, cuộc sống của tôi cũng tốt đẹp hơn", anh tâm sự. Ngày trước, hai mẹ con nói chuyện 2-3 câu đã cãi nhau, thì nay anh sẵn sàng ôm và nói "yêu mẹ". 

Sau đại dịch Covid-19, Quyết lên Hà Nội, cố gắng xoay xở để mọi thứ trở về đúng quỹ đạo. Khi tình hình ổn dần, anh nhìn thấy cơ hội thay đổi dựa trên thông số của xe điện nội địa. Anh nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình xe dịch vụ vận tải xanh. Mỗi ô tô điện hàng năm chạy dịch vụ có thể giảm được khoảng 15 tấn CO2 ra môi trường.

Đến tháng 5/2024, chàng trai trở thành "ông chủ" của một đội xe nhỏ, chuyên điều phối những người lái xe để giúp mọi người đi lại thuận tiện trong thành phố. 

"Tôi hi vọng bản thân được đóng góp nhiều hơn nữa vào cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26. Mỗi người dân cần chung tay với nhà nước đưa phát thải ròng về con số 0", anh nói. 

Nhìn lại hành trình 13 năm từ một đứa trẻ bỏ nhà lên Hà Nội, đến chàng trai 25 tuổi, chưa dám nhận bản thân đã trưởng thành, nhưng Quyết biết rằng mình đã buông bỏ được nỗi mặc cảm là "một đứa trẻ đường phố". 

Quyết cũng đã có thể buông bỏ tất cả hận thù và đau đớn, "chỉ sống cho hôm nay và ngày mai". 

"Trong chính mình, tôi có những niềm vui khó tả, biết ơn cuộc sống, biết ơn các anh chị tại Blue Dragon đồng hành giúp tôi thay đổi số phận. Tôi đã sống vui vẻ và tích cực hơn. Chừng nào chúng ta còn sống, đó là niềm vui, là hạnh phúc, là cuộc đời của mỗi cá nhân chúng ta", anh nói. 










Kommentar (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available