Đội tuyển futsal nữ Việt Nam mơ World Cup
Chức vô địch futsal Đông Nam Á giành được tối 21.11 tại Philippines đã mang đến cho đội tuyển futsal nữ Việt Nam cú hích. Sau những tiến bộ thể hiện ở giải giao hữu tại Thái Lan tháng trước (vượt chủ nhà để lên ngôi vô địch), thầy trò HLV Nguyễn Đình Hoàng đã cho thấy sự chững chạc về kỹ chiến thuật và đấu pháp, cũng như bản lĩnh để vượt qua thời điểm khó khăn trước đối thủ mạnh.
Năm 2013, đội tuyển futsal nữ Việt Nam cũng từng vô địch Đông Nam Á, nhưng giải đấu năm ấy chỉ là bước đệm cho SEA Games. Mà bước tới SEA Games, Trần Thị Thùy Trang cùng đồng đội chưa từng lật đổ được sự thống trị của nữ Thái Lan. Còn danh hiệu lần này có ý nghĩa rất khác. Đó là sự chứng nhận cho nỗ lực của các cô gái Việt Nam. Để mơ World Cup, đội tuyển futsal nữ Việt Nam cần một bước đà đủ lớn như vậy.
Năm 2025, lần đầu tiên trong lịch sử, sân chơi futsal World Cup dành cho nữ sẽ được tổ chức, với cương vị chủ nhà gọi tên Philippines. Châu Á được phân bổ 3 suất tham dự World Cup, dành cho các đội vô địch, á quân và hạng ba tại vòng chung kết futsal nữ diễn ra vào năm sau tại Trung Quốc. Như vậy, đội tuyển futsal nữ Việt Nam phải lọt vào tốp 3 tại vòng chung kết châu lục mới có thể đoạt vé dự World Cup. Đây là cột mốc thầy trò HLV Nguyễn Đình Hoàng chưa đạt được. Năm 2018, futsal nữ Việt Nam từng đứng hạng tư, sau khi thua nữ Thái Lan ở trận tranh HCĐ.
Lọt vào tốp 3 châu Á ở vòng chung kết 2025 là nhiệm vụ khó hay dễ? Câu trả lời còn tùy vào góc nhìn. Ở môn futsal nữ, tính chất cạnh tranh bớt gắt gao hơn futsal nam. Đội tuyển futsal nữ Việt Nam đang đứng hạng 11 thế giới và hạng tư châu Á, sau Iran, Nhật Bản và Thái Lan. Dễ ở chỗ, để đoạt vé đi World Cup, đội tuyển futsal nữ Việt Nam chỉ cần vượt qua 1 trong 3 đối thủ này. Nhưng cũng khó ở chỗ, cả ba đội tuyển nói trên đều rất mạnh. Iran từng 2 lần vô địch châu Á, Nhật Bản có 2 lần á quân, còn Thái Lan từ lâu thống trị Đông Nam Á với lối chơi ổn định và lực lượng hùng hậu.
Mở rộng phong trào
Đội hình vừa lên ngôi vô địch Đông Nam Á của futsal nữ VN chứng kiến trường hợp đặc biệt, đó là “lão tướng” Trần Thị Thùy Trang. Cầu thủ sinh năm 1988 từng chơi futsal giai đoạn 2011 – 2013, cùng futsal nữ Việt Nam đoạt 2 HCB SEA Games (2011, 2023). Sau đó, Thùy Trang bước lên sân chơi 11 người, có 9 năm thành công vang dội cùng đội tuyển nữ Việt Nam, rồi lại trở về cống hiến cho futsal.
Con đường đi từ sân 11 đến sân futsal của bóng đá nữ Việt Nam không chỉ in dấu giày Thùy Trang. Nữ cầu thủ Bùi Thị Trang của Hà Nội cũng từng khoác áo đội tuyển quốc gia ở sân 11, sau đó về futsal thi đấu. HLV Nguyễn Đình Hoàng có nhiều tuyển thủ nữ futsal có kinh nghiệm đá sân 11, như Biện Thị Hằng, Tú Anh, Thu Xuân… Bóng đá nữ sân 11 đã trở thành nguồn cung tài năng để futsal nữ cất cánh.
Tuy nhiên về lâu dài, đội tuyển futsal nữ Việt Nam không thể chỉ trông đợi nguồn lực từ bóng đá sân 11, mà phải tự đào tạo tài năng cho mình, phát triển phong trào độc lập. Mà trên khía cạnh này, chưa thể nói futsal nữ Việt Nam làm tốt. 9 trong số 16 cầu thủ dự giải Đông Nam Á đang khoác áo CLB Thái Sơn Nam TP.HCM, số còn lại chơi cho Hà Nam (2), Hà Nội (2), TP.HCM (2), Than Khoáng sản Việt Nam (1).
Phong trào futsal nữ Việt Nam đang phụ thuộc vào số ít CLB, được rót tiền bởi rất ít doanh nghiệp. Bối cảnh này của futsal nữ gần giống futsal nam. Thành công có thể sớm đến khi các cầu thủ đến từ cùng CLB sẽ chơi gắn kết hơn khi khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng nếu phong trào không mạnh, không có thêm CLB hay trung tâm đào tạo để cho ra lò tài năng chất lượng, đội tuyển sẽ chỉ phát triển đến một ngưỡng rồi dừng.
Futsal nữ Việt Nam cần được đầu tư từ gốc rễ giải quốc nội đến ngọn ngành đội tuyển, nếu muốn chạm đến ngưỡng cửa World Cup.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/doi-tuyen-futsal-nu-viet-nam-vuon-toi-world-cup-kho-hay-de-185241122074500384.htm
Kommentar (0)