Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Thường trực Ủy ban Xã hội, đề xuất quy định xe đưa đón học sinh thuộc diện ưu tiên bởi thế hệ trẻ là tương lai của đất nước.
Bà Cầm nói tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 10/11, khi góp ý xây dựng dự án Luật Trật tự An toàn giao thông.
Theo nữ đại biểu, danh mục xe ưu tiên tại dự thảo chỉ nêu các xe cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự; xe công an làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe cứu thương đi cấp cứu; xe hộ đê, khắc phục thiên tai, dịch bệnh; đoàn xe tang. Xe đưa đón học sinh không thuộc diện xe ưu tiên, chỉ được phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón.
Bà Cầm cho biết rất lo lắng khi vừa qua nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra có nạn nhân là trẻ em, học sinh. "Tôi mong ban soạn thảo cân nhắc đưa xe học sinh vào diện ưu tiên. Các nước phát triển đều có tiêu chuẩn đảm bảo an toàn giao thông rất cao với trẻ", bà nói, cho biết theo khảo sát, tại Hà Nội chỉ có 2,6% và TP HCM là 1,1% ô tô chở học sinh được trang bị thiết bị an toàn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại tổ sáng 10/11. Ảnh: VT
Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Vũ Huy Khánh cho biết vừa qua, khi Ủy ban thẩm tra báo cáo về dự thảo luật, thấy rằng vấn đề tai nạn giao thông với trẻ, học sinh "rất đáng quan ngại". Ông đề nghị có chính sách đặc biệt với loại hình vận tải đưa đón học sinh, trong đó có ưu đãi về thuế và các chính sách khác.
"Không để xảy ra tai nạn rồi mới kiểm tra, tránh tình trạng xe hết hạn sử dụng vẫn mang đi chở các cháu, thậm chí đó không còn là cái xe nữa khi sàn thủng, không chốt, không cửa", ông Khánh nói.
Đại biểu Khánh cũng nêu thực trạng ở các đô thị lớn, xe đưa đón học sinh chỉ thực hiện chủ yếu ở trường tư, với gia đình có điều kiện. Còn học sinh các trường công lập hầu như không có xe đưa đón. "Trẻ em cần có quyền được bảo vệ an toàn trên đường như nhau", ông nói.
Từ những năm 1940, phần lớn các bang tại Mỹ đều đã quy định các phương tiện khác phải dừng lại khi gặp xe buýt đang đón hoặc trả học sinh. Vì thế, việc chạy ngang qua khi xe buýt trường học đã bật các tín hiệu cảnh báo là phạm pháp. Thường các tài xế ngược chiều chỉ được phép chạy ngang qua xe buýt đang dừng nếu có dải phân cách cứng giữa đường hoặc có làn đường thứ 5 (làn chính giữa đường) với vạch kẻ liền màu vàng.
Những năm 1970, nhiều bang đã quy định xe buýt đưa đón học sinh phải có đèn báo hiệu và phải được bật cách điểm dừng từ 30 đến 91 m để báo hiệu cho các tài xế khác. Để ngăn xe khác chạy ngang xe buýt đang dừng đón, trả học sinh, biển Stop bên sườn trái xe sẽ được mở ra.
Đại biểu Vũ Huy Khánh. Ảnh: Media Quốc hội
Xe đón học sinh phải có đèn cảnh báo
Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, hàng loạt điều kiện với xe đưa đón học sinh được siết chặt. Theo đó, xe phải có niên hạn sử dụng không quá 15 năm; có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn nhận diện. Xe đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn và ghế ngồi phù hợp lứa tuổi; kính xe có thể quan sát từ bên ngoài.
Xe đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải có một quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn suốt chuyến đi. Xe trên 24 chỗ đưa đón học sinh mần non phải có 2 người quản lý. Các trường phải tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững quy trình.
Hiện nay, nhiều nước quy định rất nghiêm ngặt điều kiện xe đưa đón học sinh. Xe buýt chở học sinh ở Mỹ đều sơn màu vàng đặc trưng. Tại California, xe buýt chở học sinh phải lắp đặt hệ thống cảnh báo an toàn trẻ em. Đây là còi báo động đặt phía sau xe, nối với động cơ. Khi động cơ được ngắt, tài xế phải đi xuống cuối xe để tắt thiết bị, nếu không còi sẽ vang lên nhằm cảnh báo mọi người. Như vậy, tài xế không thể quên việc kiểm tra học sinh trên xe. Các bang Tennessee, Texas, Wisconsin cũng quy định tương tự.
Ở Ấn Độ, tài xế xe buýt của các trường cần có 5 năm kinh nghiệm. Mỗi xe cần một quản lý và tất cả các xe đều phải lắp hệ thống định vị, bộ giới hạn tốc độ.
Source link
Bình luận (0)