Bộ Tư pháp đề xuất thí điểm Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TP HCM và Nghệ An được cấp phiếu lý lịch tư pháp trong hai năm.
Đề xuất nêu trong hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp vừa được Bộ Tư pháp công bố.
Cơ quan này cho hay Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp cấp tỉnh.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế, việc tiếp nhận số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải. “Có thời điểm người dân phải xếp hàng từ rất sớm để nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu, gây bức xúc trong dư luận”, Bộ Tư pháp nêu.
Hà Nội, TP HCM và Nghệ An là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. Từ năm 2021 đến 2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp hơn 51.000, TP HCM cấp khoảng 96.000 và Nghệ An cấp 57.000 phiếu. Hiện nay, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện tại ba địa phương là 73, nếu đề xuất được thông qua, người dân tại đây sẽ có thêm 73 địa điểm để đăng ký nhận phiếu lý lịch tư pháp.
Vì vậy, Bộ Tư pháp cho rằng việc thí điểm phân cấp cho đơn vị hành chính cấp huyện tại ba địa phương trên là cần thiết, góp phần giảm áp lực, cũng như tạo thuận lợi hơn cho người dân. “Đây là nội dung mới nên Bộ Tư pháp đề xuất thực hiện thí điểm tại một số đơn vị cấp huyện của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, dự thảo tờ trình nêu.
Sau khi kết thúc thí điểm, Bộ Tư pháp sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện và báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Kết quả thí điểm là cơ sở để nghiên cứu sửa Luật Lý lịch tư pháp.
Phiếu lý lịch tư pháp là giấy tờ chứng minh cá nhân có hay không có án tích. Người dân có thể đến Sở Tư pháp đề nghị cấp giấy xác nhận hoặc thực hiện trực tuyến. Tuy nhiên, sau khi đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của địa phương, người dân vẫn phải gửi hồ sơ giấy qua bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền nộp.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức thời gian qua lạm dụng yêu cầu lý lịch tư pháp khi tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động. Một số tỉnh, thành chưa giải quyết kịp thời nhu cầu cấp xác nhận khiến người dân bức xúc.
Nguyên nhân là các bộ ngành chưa cắt giảm quy định yêu cầu nộp giấy lý lịch tư pháp và chưa ứng dụng công nghệ thông tin để cấp trực tuyến cho người dân.