Các chuyên gia y tế TP HCM cho rằng cần lập Bệnh viện Chấn thương như nhiều nước, đáp ứng nhu cầu chữa trị người dân bị thương ở đầu, lồng ngực, bụng, chi, cột sống…
Ý tưởng này được đề cập trong cuộc họp ngày 12/3 giữa Sở Y tế TP HCM và các chuyên gia, trong bối cảnh thành phố cần cấp bách giải quyết tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Mới đây, các đơn vị kiến nghị lãnh đạo thành phố điều chỉnh lô đất dự kiến giao Bệnh viện Bình Dân xây cơ sở 2, chuyển thành Bệnh viện Chấn thương với quy mô 1.000 giường.
Các chuyên gia cho rằng Bệnh viện Chấn thương sẽ giúp giảm gánh nặng cấp cứu chấn thương cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc cụm y tế trung tâm, đặc biệt là Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình hiện tại. Vị trí địa lý để xây bệnh viện mới cũng có nhiều lợi thế. Ví dụ, bệnh viện xây tại cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên nằm cạnh các trục giao thông quan trọng của thành phố đi các tỉnh miền Tây. Nơi đây, theo quy hoạch, trong tương lai gần sẽ có Trung tâm Cấp cứu 115 mới, Ngân hàng máu, sân bay trực thăng đã được xây dựng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố… Như vậy, khu vực này rất thuận lợi cho công tác cấp cứu.
Nếu thành phố chấp thuận đầu tư xây Bệnh viện Chấn thương, các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa sẽ chia sẻ nguồn nhân lực chuyên khoa để hoạt động hiệu quả.
Trên thế giới, một số nước đã có mô hình bệnh viện chấn thương. Chẳng hạn, Hàn Quốc quy hoạch phát triển 17 Trung tâm Chấn thương phân bố trên 5 khu vực cả nước. Các trung tâm kết nối thông tin với hệ thống cấp cứu ngoại viện để tiếp nhận, đánh giá trường hợp chấn thương, điều phối xe cứu thương hoặc trực thăng để đưa người bị nạn về điều trị, với quy trình trong vòng một giờ.
Lê Phương