Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy định về miễn trách nhiệm là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến.
Không phải nghiên cứu nào thất bại cũng miễn trách nhiệm
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh) bày tỏ đồng tình với quy định về miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phát biểu thảo luận.
Theo đó, dự thảo nêu: tổ chức và cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, với điều kiện tuân thủ đầy đủ quy trình và quy định về nghiên cứu khoa học.
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cũng không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng nếu đã thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình nghiên cứu và nội dung thuyết minh nhưng không đạt được kết quả như dự kiến.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng các quy định này không chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà còn thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ phát triển.
Song nếu chỉ có cơ chế miễn trách nhiệm dân sự khi gây thiệt hại cho Nhà nước, sẽ không bao quát hết tình hình thực tế.
Theo ông, với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học và phát triển công nghệ, nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và đảm bảo tính khách quan mà gây thiệt hại cho cả Nhà nước và cho cả các tổ chức, cá nhân khác, cũng cần miễn trách nhiệm dân sự.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng, có thể nghiên cứu miễn cả trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
"Tôi đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nếu đáp ứng các tiêu chí về tính khách quan, về quy trình thủ tục, nếu không người làm khoa học hết sức rủi ro", ông An nói thêm.
Theo ông, có thể nghiên cứu nội dung này để đưa vào nghị quyết thí điểm, làm nền trong các luật tiếp theo.
Sau đó, khi bấm nút tranh luận, đại biểu Trịnh Xuân An một lần nữa nhấn mạnh việc nghiên cứu khoa học công nghệ có rủi ro vô cùng cao, phụ thuộc vào đánh giá của người khác, dẫn đến trách nhiệm lớn. Việc thành công hay không cũng là rủi ro.
Theo ông, Bộ Luật Hình sự có điều khoản về việc miễn trách nhiệm hình sự cho cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ nhưng giao cho toà án hướng dẫn. Do đó, nên có cơ chế này để khuyến khích các nhà khoa học và tạo sự an toàn cho họ.
Mặt khác, theo đại biểu, khi xem xét miễn trách nhiệm, vẫn cần phân tích về hiệu quả, đánh giá rủi ro gắn với kết quả đầu ra sản phẩm, chứ không phải nghiên cứu nào không thành công cũng được miễn trách nhiệm.
Nên miễn trách nhiệm cả trong thử nghiệm và áp dụng?
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, cần thiết có quy định cụ thể về thí điểm miễn trừ trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu, thử nghiệm khoa học công nghệ.
Bởi theo bà, hiện nay, với miễn trừ trách nhiệm hình sự, đã có điều 25 trong Bộ Luật Hình sự nêu rõ cơ quan, tổ chức cá nhân đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà vẫn gây thiệt hại thì không bị coi là tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) phát biểu thảo luận trên nghị trường sáng 17/2.
Còn với quy định miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học công nghệ, hiện nay chưa rõ ràng cho nên cơ quan, tổ chức cá nhân nghiên cứu khoa học dù đã thực hiện đúng quy trình, quy phạm nhưng gây thiệt hại cho Nhà nước thì vẫn phải bồi thường thiệt hại theo cơ chế bồi thường ngoài hợp đồng. Do đó, đại biểu đồng tình việc Nghị quyết 57 đã bổ sung việc miễn trách nhiệm dân sự.
Song, đại biểu đoàn Bắc Kạn đề nghị bổ sung thêm 4 quy định về miễn trách nhiệm dân sự.
Thứ nhất là cần quy định tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thử nghiệm khoa học, công nghệ phải áp dụng đầy đủ quy trình, quy định trong hợp đồng nghiên cứu và cả quy định pháp luật.
Thứ hai là bổ sung thêm việc miễn trừ trong cả khâu thử nghiệm và áp dụng.
Ngoài ra, các tổ chức cá nhân không chỉ phải áp dụng đầy đủ quy trình, quy phạm mà còn phải áp dụng cả biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn gây thiệt hại thì mới được miễn trừ trách nhiệm dân sự.
Cuối cùng, việc nghiên cứu, thử nghiệm chỉ được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp gây ra thiệt hại cho Nhà nước; còn gây thiệt hại với tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải bồi thường.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), dự thảo nghị quyết quy định được miễn trừ trách nhiệm nếu kết quả nghiên cứu khoa học không đạt dù đã thực hiện đúng quy trình, song nên làm rõ chi tiết "đúng quy trình" ở đây là như thế nào.
"Bởi nếu không cẩn trọng, thì có thể đi theo hướng "phải theo quy định của pháp luật" và cứ tuân thủ pháp luật là không làm cái gì cả. Đề nghị sửa lại theo hướng: Khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu và đề tài đã đăng ký nhưng không đạt kết quả thì không phải hoàn trả lại kinh phí", ông Cường góp ý.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-mien-trach-nhiem-hinh-su-tranh-rui-ro-cho-nguoi-nghien-cuu-khoa-hoc-192250217112755495.htm
Bình luận (0)