38 dự án điện mặt trời, gió đang hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm, được Công ty Mua bán điện đề xuất EVN giảm tiền thanh toán 20-40% sau rà soát.
Ngày 8/12, Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản gửi EVN liên quan đến các nhà máy điện gió và mặt trời được nhà chức trách nghiệm thu sau ngày công nhận vận hành thương mại (COD).
Theo đó, EPTC cho hay, sau rà soát 38 nhà máy, phần nhà máy điện mặt trời, điện gió đang thanh toán theo giá FIT (tức giá cố định trong 20 năm) có kết quả nghiệm thu từ cơ quan có thẩm quyền từ ngày vận hành thương mại (COD) hoặc sau ngày này đến thời điểm giá ưu đãi hết hiệu lực (điện mặt trời là 30/6/2019 và 31/12/2020; điện gió 31/10/2021).
Cụ thể, 15 nhà máy, phần nhà máy điện mặt trời đang được thanh toán giá bán điện theo giá FIT 9,35 cent (khoảng 2.300 đồng một kWh); 2 nhà máy điện mặt trời mặt trời thanh toán giá 7,09-7,69 đồng một kWh (tương đương 1.644-1.783 đồng một kWh). Và 11 nhà máy điện gió đang được EVN thanh toán theo giá 8,5-9,8 cent (1.927-2.220 đồng) một kWh.
EPTC đề nghị trong thời gian chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến các dự án trên, EVN thông qua phương án tạm thanh toán cho các nhà máy điện này với giá bằng giá trần khung giá phát điện của Bộ Công Thương.
Cụ thể, điện mặt trời là 1.185-1.508 đồng một kWh; điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh. Việc thanh toán dự kiến được áp dụng sớm nhất.
Như vậy, nếu được EVN chấp thuận, giá tạm thanh toán tới đây của số dự án trên sẽ giảm 25-40% với điện mặt trời, điện gió gần 20%.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết mạnh mẽ với thế giới về chuyển đổi năng lượng, tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0, thì các giải pháp hay đề xuất này “khiến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam xấu đi”.
Theo ông, với nhiều dự án kịp hưởng giá FIT ưu đãi 9,35 cent một kWh cũng không có lợi nhuận do tỷ trọng huy động không cao. Với đề xuất này, mức giá một số dự án đang được hưởng giá ưu đãi, có thể bị giảm 30-40%, sẽ đẩy các nhà đầu tư vào thế rất khó khăn. “Họ sẽ không có động lực tái đầu tư vào năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp ngoại cũng sẽ e dè khi rót vốn vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam”, ông nói với VnExpress.
Giai đoạn 2017-2021 năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) phát triển bùng nổ mạnh sau các quyết định cho nhà đầu tư hưởng giá ưu đãi cố định 20 năm với các dự án kịp vận hành thương mại trước hạn định. Năm 2020, gần 16.500 MW điện mặt trời được đưa vào vận hành, gấp hơn 19 lần công suất đưa ra tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (850 MW). Hiện tỷ trọng điện gió, mặt trời vận hành chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Việt Nam vẫn xác định phát triển mạnh loại năng lượng này tới 2030 và 2050 để đạt mục tiêu giảm phát thải về 0% theo cam kết tại COP 26. Theo đó, tại Quy hoạch điện VIII được phê duyệt hồi tháng 5, công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW vào 2030, và tới 2050 đạt 168.594 – 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh.
Với điện gió trên bờ dự kiến phát triển 21.880 MW, điện gió ngoài khơi là 6.000 MW vào 2030 và đạt 70.000-91.500 MW vào 2050.