Dưới sự tác động của AI, thách thức đầu tiên mà các trường ĐH đối mặt là xây dựng các quy tắc và giới hạn rõ ràng về ứng dụng AI trong học thuật. Các trường cần xác định rõ người học có được phép sử dụng AI trong học tập, nghiên cứu hay không, và nếu được thì sử dụng như thế nào để đảm bảo mục tiêu đào tạo. Nếu không có các quy tắc này, kết quả học tập có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy tắc thống nhất giữa các trường ĐH trên thế giới về vấn đề này.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là điều chỉnh định hướng và chương trình đào tạo sao cho phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động do tác động của AI. Các ngành nghề liên quan đến tạo nội dung hoặc những công việc mang tính lặp đi lặp lại có khả năng cao sẽ được tự động hóa, dẫn đến giảm nhu cầu tuyển dụng. Do đó, việc điều chỉnh các chương trình đào tạo nên được định hướng theo hai hình thức: Tầm nhìn chiến lược, dự đoán dài hạn và theo dõi sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Theo đó, các trường cần dự báo những thay đổi lớn về nhu cầu đào tạo và nhân lực trong tương lai. Nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách và định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ các trường điều chỉnh chiến lược đào tạo. Bên cạnh đó, các trường cần nắm bắt cụ thể những thay đổi về nhu cầu ngành nghề và vị trí việc làm thông qua khảo sát định kỳ từ các bên liên quan, bao gồm nhà tuyển dụng và người học. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế.
Về đào tạo, chương trình cần tích hợp thêm các kỹ năng mềm như tự học suốt đời, tư duy phản biện, sáng tạo và quản lý. Những kỹ năng này giúp sinh viên phát triển khả năng linh hoạt, thích nghi với sự thay đổi ngành nghề và thị trường lao động dưới tác động của AI.
Một thách thức khác là làm sao để nhân lực AI của VN đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tế?
Trong khuôn khổ đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành AI do Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM chủ trì, chúng tôi đã đề xuất 8 nhiệm vụ và giải pháp chính về đào tạo chính quy từ bậc ĐH đến tiến sĩ, đào tạo không chính quy, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nguồn học liệu mở, phát triển đội ngũ, cấp học bổng và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Trong số các giải pháp này, việc đào tạo nhân lực trình độ cao ở bậc tiến sĩ và giữ chân nhân tài để phục vụ nhu cầu phát triển trong nước được xem là một giải pháp căn cơ.
Nếu không thực hiện tốt các giải pháp này, VN sẽ không thể sở hữu công nghệ lõi và các nền tảng AI quan trọng. Hệ quả là chúng ta sẽ phải phụ thuộc vào các công nghệ, giải pháp AI và dịch vụ suy diễn (inference-as-a-service) do các tập đoàn lớn ở nước ngoài cung cấp, và chúng ta chỉ tập trung vào phần ngọn là phát triển các ứng dụng dựa trên nền tảng AI đã có.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-viet-nam-phat-trien-nhan-luc-ai-185250205222636675.htm
Bình luận (0)