Đi học lại sau Tết không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với phần đông học sinh. Do vậy, các trường học tại TP.HCM tùy vào lứa tuổi đã có những biện pháp khác nhau để kéo học sinh trở lại với việc học.
Học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM, hào hứng khi được thầy cô lì xì, tặng quà - Ảnh: MỸ DUNG
Những ngày đi học lại sau Tết Ất Tỵ với Hà - học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM - là mỗi ngày với biết bao chuyện để kể. Vì lên lớp, em được tham gia nhiều trò chơi, nhiều thử thách đầu xuân và các hoạt động chung với trường, với lớp.
"Đi học vui lắm"
Hà kể trên lớp các em được nhận lì xì của cô giáo và đặc biệt hơn trong các môn học sẽ có những câu đố thưởng đầu xuân để lấy điểm cộng. "Đi học đầu xuân mới, nếu lỡ có trả lời sai cô giáo sẽ không trừ điểm mà khuyến khích học sinh trả lời đúng để được lấy điểm cộng. Nên đi học sau Tết không bị áp lực" - Hà nói.
Cùng với đó, ngay sau ngày đầu học sinh đến trường, Trường THCS Nguyễn Văn Tố cũng để học sinh cả trường kết nối với nhau bằng những bài tập thể dục giữa giờ, mỗi ngày sẽ có những phút đồng diễn chung. Đây là lúc cả trường được kết nối với nhau, cùng nhún nhảy theo âm nhạc.
Ở Trường tiểu học Phú Thọ, quận 11, không gian trường học sau Tết cũng rộn ràng với nhiều hoạt động để học sinh hòa nhịp trở lại tham gia vào việc học. Nhà trường giữ nguyên không gian xuân ngập tràn trước Tết để đón học sinh trở lại trường với nhiều hoạt động chung và riêng của các lớp.
"Trên lớp, cô giáo tổ chức nhiều trò chơi hái hoa, trả lời câu hỏi trong nhiều môn học, mỗi câu trả lời đúng chúng em được bốc thăm một lì xì... Còn khi sinh hoạt với trường, chúng em được cùng thầy cô đi tặng cây, tưới cây... Em thích trở lại trường, đi học vui lắm" - Tuyết Nhi, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Phú Thọ, kể.
Với những học sinh Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, mỗi lớp học sẽ có cách khác nhau để "kéo học sinh" trở lại với việc học. Tại lớp 4/1, ngay ngày đầu tiên đi học trở lại sau Tết, tất cả học sinh đều được thầy chủ nhiệm lì xì (mừng tuổi) và tặng một chú heo đất để thực hiện dự án kết nối yêu thương dài hơi đầy ý nghĩa.
Không chỉ với học sinh bậc tiểu học, THCS, nhiều học sinh bậc THPT cũng cảm thấy vui vẻ với những "phần thưởng" khi trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
"Em thích cảm giác được cùng các bạn thảo luận về những câu đố mà thầy cô đưa ra trong ngày đầu tiên tới trường sau Tết. Năm nào nhà trường cũng trích dẫn những câu nói nổi tiếng để chúng em có bàn luận rôm rả về năm mới" - Minh Anh, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, nói.
Mấy hôm nay ngày nào đi học cũng vui. Em vừa được thầy cô lì xì, lại được các bạn kể những chuyện trong Tết.
Yên Minh (học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM)
"Treo thưởng" các món quà
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ ở một số trường tiểu học, THCS, THPT tại TP.HCM, đến ngày 5-2, sĩ số học sinh đi học lại sau Tết vẫn chưa đầy đủ. Cá biệt một số lớp có hơn 10 học sinh đang "du xuân" chưa kịp đến trường.
"Năm nào sĩ số học sinh đi học lại sau Tết cũng thiếu. Đó là tình trạng chung của nhiều trường ở TP.HCM vì các em về quê xa chưa vào được. Nhưng năm nay tình hình vắng có vẻ nhiều hơn vì quan niệm của phụ huynh hiện nay thay đổi. Nhiều phụ huynh hiện nay ưu tiên trải nghiệm Tết của các con hơn là mấy ngày học đầu năm mới. Vì thế, trường học càng phải cố gắng để những ngày đầu xuân học sinh học tập đầy hào hứng" - hiệu trưởng một trường phổ thông tại TP.HCM cho biết.
Thầy Châu Hiền Đức - tổ trưởng khối 4, Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3 - nhận định sau Tết việc nhiều học sinh vẫn muốn nghỉ, muốn vui chơi với gia đình là tình trạng chung. Hiểu được tâm lý chung này nên ngay từ trước Tết thầy Đức đã chuẩn bị những "chiêu" để kéo học sinh trở lại lớp học sau Tết một cách hứng khởi.
"Trước Tết, tôi thường "treo" những món quà động viên tinh thần học tập. Như việc "làm sổ nhật ký Tết" cần phải nộp ngày đầu đến trường để đổi thẻ cào. Thẻ cào này là những món quà hợp trend với học sinh, học sinh đang thích sở hữu nên học sinh rất hào hứng đi học lại để đổi quà.
Tôi cũng chia sẻ những điều may mắn cả năm học để học sinh sẽ thích đến trường như nếu trong vở ngày đầu tiên viết chữ đẹp, không gạch xóa, không tính sai số, thầy tin rằng cả học kỳ này toàn điểm tốt và đạt danh hiệu xuất sắc, hay thảo luận nhóm 4 tích cực, làm việc nhanh chóng thì cả năm sẽ luôn thành công", thầy Đức nói.
Không những vậy, để học sinh trở lại với việc học, trong những ngày đầu đến trường sau Tết, thầy sẽ yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm, không làm việc cá nhân và khéo léo đưa chủ đề học tập gần gũi với những ngày xuân để học sinh có chất liệu học tập sôi nổi, hào hứng.
"Học viết văn về cây thì tôi cho cả lớp thảo luận về cây mai, cây đào, cây quất... Làm theo nhóm nên học sinh bàn tán sôi nổi. Vì thế, sau ngày đầu tiên thiếu 2 học sinh, ngày thứ hai lớp đủ 42 học sinh đi học mà bạn nào cũng thích thú tham gia thảo luận", thầy Đức tiết lộ.
Tạo cảm hứng học tập
Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, cho biết với học sinh THPT việc tạo cảm hứng học tập cho học sinh sẽ đỡ hơn những lứa tuổi nhỏ vì các em đã biết xác định những mục tiêu học tập của mình. Tuy vậy, đầu năm mới nhà trường và giáo viên vẫn phải có "chiêu" để kéo học sinh trở lại với việc học.
"Nhà trường thực hiện những không gian sinh hoạt chung dưới cờ trong ngày đầu tiên trở lại trường, sau đó sẽ dành thời gian để giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động thu hút học sinh trở lại trường học tập vui vẻ nhất. Trong đó vừa có việc gửi lời chúc đến học sinh và cả việc thực hiện những clip vui nhộn trong năm mới của các em được chia sẻ với lớp, với thầy cô", thầy Phú cho hay.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-chieu-du-hoc-sinh-den-truong-sau-tet-20250206081316659.htm
Bình luận (0)