– Thầy ĐỖ ĐỨC ANH (tổ phó tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM):
Môn văn: triệt tiêu đoán đề, tác phẩm
Đề tham khảo lần 2 của Bộ GD-ĐT hay nhưng khó hơn so với đề tham khảo lần 1. Đọc sơ qua có thể thấy đề có vẻ nhẹ nhàng nhưng học sinh vẫn nhận định là khá khó. Tôi vừa cho học sinh coi đề và các bạn dù học khá môn văn vẫn lo lắng sau khi đọc đề tham khảo, nhất là câu viết đoạn nghị luận văn học.
Đề kiểu mới sẽ hạn chế tối đa việc học tủ, triệt tiêu việc học theo văn mẫu hay đoán đề.
Ở phần viết, nghị luận văn học có sự giảm sâu về điểm số (chỉ còn 2 điểm trong khi kiểu đề cũ là 5 điểm) vì đã có phần kiểm tra kiến thức, tri thức ngữ văn về thể loại ở đọc hiểu và yêu cầu phần này cũng bám vào cả nội dung và đặc trưng thể loại trong một tác phẩm cụ thể.
Phần nghị luận xã hội chỉ cần học sinh có nhận thức về các vấn đề xã hội và kỹ năng viết thì dễ dàng giải quyết được yêu cầu của đề. Vấn đề lựa chọn phù hợp lứa tuổi 18, phù hợp bối cảnh xã hội đương đại. Vấn đề trí tuệ nhân tạo cũng khá “hot” và được học sinh quan tâm để ý, gắn liền với tuổi trẻ.
Tôi cho rằng đề minh họa môn ngữ văn theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thể hiện rõ sự đổi mới trong dạy học lẫn kiểm tra đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điều dễ nhận thấy nhất là các yêu cầu của đề bám sát yêu cầu cần đạt theo đặc trưng thể loại của chương trình mới. Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức 100% tự luận, kiểm tra được toàn bộ kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết. Từ nay sẽ chấm dứt triệt để tình trạng đoán tác phẩm, đoán đề.
– Thầy LÂM VŨ CÔNG CHÍNH (giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM):
Môn toán: tương đối khó
Đề tham khảo tương đối khó với học sinh. Trong đó nội dung kiến thức khá nhiều, dàn trải của chương trình lớp 10, 11, 12. Đặc biệt, những câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 nhiều hơn so với đề thi toán những năm gần đây.
Đề thi vẫn có một số câu hỏi nặng tính hàn lâm, chưa phù hợp với chủ trương phát triển phẩm chất – năng lực học sinh.
Giáo viên chúng tôi vẫn mong chờ một sự đột phá trong đề thi tốt nghiệp THPT theo đúng định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Không những thế, đề toán còn có một câu nằm trong phần chuyên đề.
Trong khi đó, chuyên đề thì học sinh có quyền lựa chọn học hoặc không học. Với câu hỏi này, nếu học sinh nào không học chuyên đề toán thì không thể làm được.
– Thầy TRẦN NGỌC HỮU PHƯỚC (giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM):
Môn tiếng Anh: thay đổi tích cực
So với năm ngoái, đề thi tham khảo năm nay đã không còn phần phát âm dấu nhấn và phần điền vào bảng thông báo announcements. Thêm một điểm mới nữa là số lượng câu hỏi sắp xếp đoạn văn tăng từ 2 lên 6 câu, số lượng câu hỏi mỗi bài đọc hiểu cũng tăng lên.
Sự thay đổi trong cấu trúc đề thi sẽ tạo nhiều thử thách cho học sinh. Tuy nhiên, sự thay đổi này theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương phát triển phẩm chất – năng lực cho học sinh.
Với đề thi tham khảo này thì cả giáo viên và học sinh cần thay đổi cách dạy và học. Trong đó giáo viên cần chú trọng vào việc dạy kỹ năng đọc – hiểu, mở rộng vốn từ cho học sinh.
Bên cạnh đó, các em học sinh cũng không thể học tủ, học vẹt như trước mà cần học tập chủ động, cần đọc nhiều loại văn bản khác nhau để mở rộng kiến thức, vốn từ…
– Thầy NGUYỄN VIẾT ĐĂNG DU (tổ trưởng tổ sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):
Môn sử: đánh giá năng lực tổng hợp
Đề thi tham khảo lần này gồm có hai phần. Phần 1: Trắc nghiệm chọn đáp án đúng có 24 câu; Phần 2: Trắc nghiệm đúng sai có 4 câu. Cấu trúc này sẽ gây khó khăn cho thí sinh khi phần 2 có tới 4 câu hỏi và số điểm được quy định khá khắt khe để thí sinh có thể có điểm tuyệt đối ở từng câu.
Về nội dung, các câu hỏi nằm xuyên suốt trong những chủ đề lịch sử của lớp 11 (4 câu/24 câu phần 1) và lớp 12 (20 câu/24 câu phần 1).
Phần 2 nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình lịch sử 12 nhưng không lấy nguồn tư liệu từ bất kỳ bộ sách giáo khoa nào nên yêu cầu học sinh phải nắm vững các kiến thức cơ bản trong quá trình học. Ngoài ra, thí sinh cần vận dụng tư duy để giải các câu hỏi.
Về hình thức đề thi khá phong phú đa dạng, nhất là phần 2 vì có những câu hỏi lấy tiền đề là bảng tư liệu, đoạn tư liệu.
– Cô NGUYỄN THỊ THUỲ LINH (tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Marie Curie, TP.HCM):
Môn địa: bám sát chương trình 2018 của môn học
Đề minh họa bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn địa lý. Một điểm mới trong đề minh họa năm nay là thí sinh không sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để làm bài. Về dạng thức câu hỏi và cách tính điểm cũng có nhiều thay đổi.
Về dạng thức câu hỏi, ở dạng thức 1 – câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (dạng thức này đã được áp dụng nhiều năm).
Ở dạng thức 2 – câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Ở dạng thức 3 – câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn. Dạng này gần với câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả mà thí sinh phải tính toán và tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng “mẹo”, khoanh bừa.
– Thầy PHẠM GIA KHÁNH (giáo viên vật lý Trường trung học Thực hành – Trường đại học Sư phạm TP.HCM):
Môn vật lý: trên 90% kiến thức lớp 12
Đề minh họa môn vật lý lần này có trên 90% kiến thức lớp 12 nhưng một số câu vẫn sử dụng các kỹ năng được học ở lớp 10, 11 như xử lý số liệu, quy trình tìm hiểu tự nhiên dưới góc độ vật lý.
Một số câu cần vận dụng kiến thức ngoài yêu cầu cần đạt (ví dụ Lực lorentz) thì đề có cung cấp và giải thích công thức để học sinh có thể tư duy về vận dụng.
Hình thức câu hỏi trong đề minh họa đa dạng và đổi mới, các câu mức độ hiểu thì những học sinh vững kiến thức có thể suy luận tìm được câu trả lời mà không cần thuộc lòng.
– Cô PHẠM LÊ THANH (giáo viên hóa học Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM):
Môn hóa: hạn chế câu tính toán không ý nghĩa
Đề minh họa môn hóa học nhìn chung đã có chuyển biến rõ rệt từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực ở ba năng lực đặc thù môn hóa học: nhận thức hóa học; tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hóa học; vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học.
Các câu hỏi trong đề minh họa hầu hết đều gắn với bối cảnh có ý nghĩa thực tế, gần gũi với học sinh. Các em vận dụng kiến thức và năng lực được học để xử lý và giải quyết các câu hỏi từ mức độ biết đến hiểu và vận dụng.
Đặc biệt đề thi hóa đã hạn chế câu tính toán không có ý nghĩa, thay vào đó những bài tập hóa học gắn liền với đời sống, sản xuất, giúp phân hóa sâu, tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
– Thầy NGUYỄN QUANG MINH (tổ trưởng tổ sinh học Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TP.HCM):
Môn sinh học: đề hay
Đề tham khảo môn sinh hay hơn đề những năm trước rất nhiều. Các câu hỏi không thuần túy hỏi về lý thuyết mà yêu cầu thí sinh ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Như vậy, trong quá trình học trong nhà trường phổ thông, học sinh cần tìm hiểu về xã hội, về cuộc sống xung quanh mình, rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp, áp dụng kiến thức…
– Thầy NGUYỄN ĐỨC THẮNG (tổ trưởng chuyên môn tổ giáo dục kinh tế và pháp luật Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):
Giáo dục kinh tế và pháp luật: số câu hỏi giảm, độ khó tăng
Đọc đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 lần này của Bộ GD-ĐT, tôi thấy có ba vấn đề sau.
Thứ nhất, kiến thức hỏi trong đề rộng trải dài từ lớp 10 đến lớp 12 cả hai mảng kiến thức kinh tế và pháp luật, không như đề cũ của chương trình 2006 chỉ có 4 câu kiến thức lớp 11 và còn lại chủ đạo là kiến thức lớp 12.
Thứ hai, số lượng câu hỏi giảm 1/3 so với cấu trúc đề cũ trước đây.
Thứ ba, đề có những câu hỏi chi tiết đến mức phạt và điều luật, cả hệ thống văn bản luật… là những câu hỏi kiến thức khó nếu chỉ phục vụ cho tốt nghiệp, có vẻ quá cao siêu với học sinh phổ thông.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-tham-khao-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-giao-vien-nhan-xet-ra-sao-20241018231930016.htm