Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đặc thù nữ thượng tá, đại tá công an có nhiệm vụ nặng nhọc, nguy hiểm, tăng tuổi hưu có thể không đảm bảo sức khỏe công tác.
Sáng 2/6, tham gia thảo luận dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội Luật gia Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất với hàm nữ thượng tá lên 3 tuổi, nữ đại tá lên 5 tuổi.
Theo ông, nâng như vậy là quá cao so với các bậc hàm còn lại. Bởi qua khảo sát, thực tiễn có địa phương đề nghị quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của nữ phải phù hợp với các yếu tố đặc thù nghề nghiệp, vị trí, môi trường công tác để đảm bảo điều kiện sức khỏe của cán bộ chỉ huy trong các môi trường làm việc khác nhau.
Theo ông Hòa, lực lượng vũ trang nói chung có môi trường làm việc rất vất vả, có thể làm việc đêm ngày liên tục, nhất là nơi phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ông đề nghị không đánh đồng với các cơ quan hành chính sự nghiệp về tuổi nghỉ hưu theo Luật lao động.
Bên cạnh đó, nữ sĩ quan công an hàm thượng tá, đại tá thường giữ cương vị người đứng đầu hoặc cấp phó đơn vị nghiệp vụ của ngành hoặc giám đốc, phó giám đốc công an tỉnh thành phố. Đây đều là nhiệm vụ rất vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tuổi cao. Ông đề nghị tuổi nghỉ hưu với nữ thượng tá là 57 và nữ đại tá là 58, nữ thiếu tướng vẫn là 60.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên) lại có lập luận ngược lại. Bà Hải cho rằng về mức tăng tuổi đối với từng chức danh, đối tượng như dự luật là phù hợp với Bộ luật lao động. Trong đó, dự luật đã chú trọng tới việc quy định các đối tượng đặc thù lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc.
Theo dự thảo luật, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu được chia thành hai nhóm. Nhóm 1 tăng ngay 2 tuổi đối với trung tá, thiếu tá, cấp úy, hạ sĩ quan. Theo Bí thư Thái Nguyên, đây là nhóm đặc thù nghề nghiệp đang có tuổi nghỉ hưu thấp hơn quy định của Bộ luật lao động cũ 7 tuổi.
Vì vậy dự thảo luật đề nghị tăng ngay 2 tuổi là phù hợp để đảm bảo độ chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nhóm này với độ tuổi nghỉ hưu chung. Nhóm còn lại (thượng tá, đại tá) đang bằng độ tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ luật Lao động cũ (nam 60, nữ 55). Vì vậy, khi Bộ Luật lao động mới tăng tuổi hưu thì nhóm này cũng phải tăng tương ứng để đảm bảo đồng bộ.
Bí thư Thái Nguyên đề xuất phương án trung hòa theo hướng chia việc tăng tuổi phục vụ của sỹ quan cấp đại tá, thượng tá trong luật thành 2 bước. Bước 1, tăng ngay khi luật có hiệu lực, tuổi phục vụ của nam đại tá, thượng tá lên 60 tuổi 9 tháng và nữ thượng tá lên một năm từ 55 lên 56, tương tự dự thảo luật đề nghị tăng ngay 2 tuổi đối với cấp trung tá, thiếu tá, cấp úy, hạ sĩ quan.
Bước 2, từ các năm sau tăng theo lộ trình 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ giống như Bộ Luật lao động. Phương án này sẽ không phải lùi mốc tính tuổi nghỉ hưu nên không vi phạm luật và vẫn đạt được kết quả đồng bộ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật lao động và có tính tới tuổi nghỉ hưu đối với nhóm đặc thù.
Theo bà Hải, Thái Nguyên hiện có 5 đại tá nhưng nữ không có người nào; 105 thượng tá thì nữ có 5. “Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu với nữ đại tá và thượng tá sẽ tạo cơ hội bình đẳng về thời gian để các nữ lãnh đạo trong ngành công an có điều kiện phấn đấu sau khi luật ra đời”, Bí thư Thái Nguyên nói.
Cụ thể, sau một thời gian triển khai, số lượng nữ đại tá trên toàn quốc không phải chỉ là 67 người như hiện nay và số lượng cấp tướng không chỉ là 6 người mà sẽ tăng. “Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng sẽ có một nữ thượng tướng là thứ trưởng Bộ công an trong thời gian tới”, bà hy vọng.
Thảo luận tổ về vấn đề này trước đó, trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an Hà Nội) cho biết việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an có nhiều điểm lợi. Đó là tạo được sự đồng bộ, tương thích với Bộ luật Lao động, giúp củng cố các quỹ bảo hiểm xã hội và tận dụng kinh nghiệm công tác của cán bộ.
Về băn khoăn đối với tăng tuổi hưu nữ sĩ quan, tướng Trung nói hiện nay số lượng nữ trong lực lượng công an chỉ chiếm hơn 10%, đa phần công tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, công tác đảng, chính trị, hậu cần, tài chính. Việc kéo dài hạn tuổi sẽ giúp nữ sĩ quan tránh được thực tế “đến tuổi 55 chưa kịp cất cánh đã hạ cánh” (trước đó phải lo việc gia đình, con cái, đến khi rảnh hơn để phấn đấu trong công việc lại đến tuổi nghỉ hưu).
Theo Luật Công an nhân dân năm 2018, hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan là 45 tuổi; cấp úy là 53 tuổi; thiếu tá, trung tá là 55 tuổi với nam và 53 tuổi với nữ; thượng tá là 58 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ; đại tá là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Cấp tướng hạn tuổi hưu là 60 tuổi.
Sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ hơn 60 đối với nam và hơn 55 đối với nữ.
Trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan cấp úy, thiếu tá, trung tá và nam sĩ quan là thượng tá nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Công an, nhưng không quá 60 đối với nam và 55 đối với nữ.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào chiều 22/6.
Sơn Hà – Viết Tuân