Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2023.

Luật này quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân như sau:

– Hạ sĩ quan: 47;

– Cấp úy: 55;

– Thiếu tá, Trung tá: Nam 57, nữ 55;

– Thượng tá: Nam 60, nữ 58;

– Đại tá: Nam 62, nữ 60;

– Cấp tướng: Nam 62; nữ 60.

Trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 62 đối với nam và 60 đối với nữ.

Trường hợp đặc biệt có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền..

Ngoài ra, Luật này cũng quy định cụ thể về 7 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; 162 vị trí có cấp bậc hàm Thiếu tướng trong Công an nhân dân. 

Luật này cũng quy định rõ: Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định…

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: Tuấn Huy 

Bộ Quốc phòng đang tiến hành tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Trước đó, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đồng thời với luật này để bảo đảm tính tương quan.

Nói rõ thêm về nội dung này tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng; còn Bộ Quốc phòng đang tiến hành tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở kết quả tổng kết sẽ xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp.

Đối với các ý kiến đề nghị quy định bảo đảm tương quan giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, hai lực lượng này có nhiều chính sách tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động, địa bàn, lĩnh vực cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến này, trao đổi, thống nhất với Bộ Quốc phòng để chỉnh lý các quy định về chế độ, chính sách, hạn tuổi phục vụ, cấp bậc hàm cao nhất cho phù hợp.

“Từ các lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói.

Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan phù hợp với tính chất là lực lượng vũ trang và tính chất đặc thù của từng lực lượng, đơn vị.

Làm rõ nội dung trên, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ: Quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an trong dự thảo luật đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; kế thừa quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 về hạn tuổi phục vụ cao nhất; phù hợp quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu của người lao động, đồng thời bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn công tác, chiến đấu của từng vị trí cấp bậc hàm trong Công an nhân dân.

“Trên cơ sở quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với mỗi cấp bậc hàm, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định hạn tuổi phục vụ đối với các chức vụ, chức danh cho phù hợp tính chất đặc thù của từng lực lượng, đơn vị và vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác đặc thù của mỗi cá nhân”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay.

THẢO NGUYÊN