Theo dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ nghiêm cấm quay, chụp, ghi chép và phát tán hình ảnh về công trình quốc phòng, khu quân sự lên Internet.
Chiều 26/5, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Công trình quốc phòng là công trình kiến trúc, vật thể, địa hình, địa vật tự nhiên sẵn có hoặc được xây dựng, cải tạo để phục vụ cho các hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Khu quân sự là khu vực được giới hạn bởi ranh giới trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không được thiết lập, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự.
Điều 17 dự luật quy định người, phương tiện có nhiệm vụ và được cấp có thẩm quyền cho phép mới được ra vào khu vực cấm; phải mang theo giấy ra vào, giấy tờ cá nhân, giấy đăng ký của phương tiện và chịu sự kiểm tra, hướng dẫn của lực lượng bảo vệ.
Chính phủ đề xuất nghiêm cấm các hành vi quay phim, chụp ảnh, ghi âm, điều tra, khảo sát, định vị, đo vẽ, ghi chép miêu tả, đăng tải, phát tán trên phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông về công trình quốc phòng, khu quân sự, trừ trường hợp được phép của cấp có thẩm quyền.
Trong khu vực bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự Nhóm đặc biệt chỉ được hoạt động canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp do các cá nhân, hộ gia đình thường trú trong phạm vi bảo vệ trên thực hiện nhưng không được làm biến dạng địa hình tự nhiên.
Trong phạm vi vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự Nhóm đặc biệt (các công trình quốc phòng, khu quân sự đặc biệt quan trọng phải áp dụng biện pháp quản lý, bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt để bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối), hoạt động đầu tư phát triển kinh tế – xã hội được thực hiện theo quy hoạch của địa phương, tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Hoạt động khai thác tài nguyên rừng, khoáng sản, vật liệu xây dựng, mở mới, mở rộng các điểm du lịch và dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội phải lấy ý kiến và được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Quốc phòng. Các dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải được Thủ tướng quyết định.
Theo đại tướng Phan Văn Giang, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã bộc lộ một số vướng mắc. Việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ chưa cụ thể; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép. Việc xây dựng quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế – xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan quốc phòng chưa chặt chẽ.
“Bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng luật để tạo cơ sở pháp lý cao hơn và giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập thực tế phát sinh”, Bộ trưởng Quốc phòng nói.
Ba trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, quân sự
Chính phủ đề xuất ba trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng, quân sự. Đó là chuyển đổi trong phạm vi Bộ Quốc phòng theo yêu cầu nhiệm vụ; khi không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ, cần chuyển để phát triển kinh tế – xã hội và dân sinh; và công trình nằm trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội theo quy hoạch phê duyệt và được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản.
Nguyên tắc chuyển đổi là không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm bí mật nhà nước; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và đảm bảo bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng; riêng công trình, khu vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định.
Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự lần đầu trình Quốc hội, sẽ được đại biểu thảo luận ở tổ ngày 9/6 và thảo luận hội trường ngày 23/6.