Tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024, ông Mai Thiên Ân – đoàn viên công đoàn cơ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu.
Đơn cử như không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giảo lao không đúng thời gian quy định. Cùng với đó là việc có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc. Không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương, thậm chí tử vong.
Hay xin nghỉ phép không có lý do chính đáng; phối hợp trong công việc kém; làm việc nhóm không hiệu quả. Không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác…
Thế nhưng, thực tế sản xuất, kinh doanh ở tất cả doanh nghiệp trên thế giới đã chứng minh: Rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động cho người lao động là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động.
Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. Người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.
Ông Ân cũng như bao công dân Việt Nam đều mong muốn nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó nâng cao năng suất lao động là động lực chính.
Chính vì vậy, ông Mai Thiên Ân đề xuất, kiến nghị có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ từ sớm để trở thành “thói quen, nếp nghĩ, nếp làm” khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp.
Ví dụ, học cơ bản từ cấp trung học phổ thông cho đối tượng lao động phổ thông, học nâng cao cho các cấp bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và xem xét nội dung học phù hợp với ngành nghề họ đang theo học, vì mỗi nghề nghiệp khác nhau cũng cần có tác phong công nghiệp khác nhau.
Có quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong việc đầu tư hoặc chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Theo bà Trương Thị Thu Hà – Đại diện Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trong 26 năm xây dựng và phát triển, mỗi ý tưởng và mỗi sáng kiến của người lao động đã góp phần đưa nhà máy đi vào hoạt động thương mại với sự an toàn, ổn định và phát triển cho đến nay.
Đại diện BSR cho rằng, hoạt động sáng kiến cải tiến đã thật sự là đòn bẩy mà qua đó mỗi người lao động có thể phát huy mọi tiềm năng bản thân, bứt phá bằng trí tuệ, bản lĩnh của mỗi người để tham gia thúc đẩy sự phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Tại diễn đàn, bà Hà cũng xin kiến nghị đến Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, có thông tư hướng dẫn chi tiết về việc chi trả thù lao cho Tác giả/đồng tác giả của sáng kiến cải tiến được công nhận. Đây là sự ghi nhận, tạo động lực rất lớn cho người lao động đam mê nghiên cứu khoa học.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/de-lao-dong-khong-con-den-co-quan-dung-gio-de-diem-danh-roi-an-sang-a665381.html