ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào một số nội dung luật, nghị quyết quan trọng

Việt NamViệt Nam15/02/2025

Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 15/2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường để cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Trong phiên thảo luận sáng về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi và đóng góp hoàn thiện các quy định liên quan đến việc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

g
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu thảo luận tại hội trường.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cho rằng tại điều 37 về Chế độ làm việc của UBND cần làm rõ việc nào làm việc theo chế độ làm việc tập thể, việc nào làm việc theo chế độ làm việc Thủ trưởng để điều hành của UBND và Chủ tịch UBND rõ ràng, cụ thể hơn.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về tăng phân quyền cho chính quyền địa phương có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thí điểm một số chính sách chưa được pháp luật quy định nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhất là trong việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và căn cứ điều kiện thực tế, khả năng, nguồn lực, yêu cầu phát triển của địa phương. Đồng thời, quá trình xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thi hành văn bản thí điểm này cần báo cáo kịp thời cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm sự lãnh đạo sát sao của Đảng.

Bên cạnh đó, trường hợp phân cấp dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp đang được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân cấp đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, ban hành văn bản điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, không quy định thêm thành phần hồ sơ, không tăng thêm yêu cầu, điều kiện, thời gian giải quyết thủ tục đang áp dụng. Đại biểu cho rằng, vì không rõ ràng cho việc áp dụng, dẫn đến trường hợp mỗi địa phương thực hiện theo một trình tự, thủ tục khác nhau cho cùng một vấn đề.

Về quy định đối với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, cần bổ sung điểm 1, Điều 16 là HĐND quyết định tổng số lượng và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó cần bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật cán bộ tại Điều 18 và Điều 23 của dự thảo luật. Trong đó, tại Điều 18 cần bổ sung vào điểm l khoản 1 nội dung quy định Chủ tịch UBND tỉnh có quyền ban hành quyết định xử lý kỷ luật Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới. Tại điều 23, bổ sung vào khoản 8 quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND có quyền quyết định xử lý kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp dưới.

g
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận tại hội trường.

Trong phiên thảo luận chiều tại hội trường về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng việc Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên là cần thiết, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã đề ra trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 10 năm 2021-2030.

Đại biểu đề nghị tại điều 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chủ yếu có quy định là "Trong cải cách thể chế thì rà soát để mở rộng phạm vi đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã được phát huy hiệu quả. Xây dựng các chính sách đặc thù, phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo quy định của các Nghị quyết của Bộ Chính trị" vẫn chưa rõ được về khâu tổ chức thực hiện để các chính sách này có thể thực hiện được trong năm 2025 và mang lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế. Qua đó, đại biểu đề xuất bổ sung quy định trong nghị quyết là giao cho Chính phủ rà soát, đánh giá và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những chính sách đặc thù thí điểm và các đối tượng, địa bàn được áp dụng các chính sách này,

Về nội dung xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, các khu kinh tế cửa khẩu, các vùng trong nghị quyết của Bộ Chính trị đã có quy định. Đại biểu đề nghị có quy định quy trình rút gọn để phù hợp với các cơ chế, chính sách này được thực hiện để đi vào cuộc sống sớm như đề nghị trong đề án tăng trưởng 8%.

Cũng trong ngày làm việc, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu cơ bản nhất trí cao sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia;... Sau khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.


Nguồn

Chủ đề: quốc hội

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available