Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

Việt NamViệt Nam15/02/2025


476910709_516933948085708_454671470518346570_n.jpg
Đại biểu Lê Văn Dũng phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội. Ảnh: VĂN HIẾU

Đại biểu Lê Văn Dũng thống nhất cao đề án Chính phủ trình với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, làm tiền đề đẩy nhanh phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn đến; làm cơ sở để hiện thực hóa các mục tiêu Đảng đề ra nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là thách thức rất lớn, theo đại biểu Lê Văn Dũng, không chỉ dựa vào quyết tâm chính trị mà còn cần có các giải pháp, kịch bản cụ thể để đạt được mục tiêu này. Báo cáo của Chính phủ cũng đã phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp cụ thể, với tinh thần “bàn làm chứ không bàn lùi”.

Trước hết, đại biểu Lê Văn Dũng khẳng định có dư địa để thực hiện bởi hiện nay: (1) Về xuất khẩu hàng hóa đã cán mốc 400 tỷ USD, đã 9 năm liên tiếp xuất siêu, điều đó không chỉ chứng tỏ vị thế của Việt Nam trong cạnh tranh buôn bán với nước ngoài mà còn tác động đến GDP, tăng dự trữ ngoại hối, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia; (2) Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu 11 năm liên tiếp; (3) Vốn đầu tư nước ngoài tăng; (4) Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm; (5) Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19; (6) Năm 2024 đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đề ra; (7) Hàng loạt chương trình nghị sự, ngoại giao, thương mại tiếp tục gặt hái được nhiều thắng lợi mới.

Đại biểu Lê Văn Dũng nhận định, dư địa cho phát triển nền kinh tế nước ta còn rất lớn. Vấn đề quan trọng là làm sao vực dậy, khơi thông và đưa nguồn lực đất nước vào phát triển. Để làm được điều đó, đại biểu đề xuất các nội dung sau:

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước ta đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 18 với mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hoàn thiện hệ thống pháp luật để huy động sức mạnh toàn xã hội; giảm chi thường xuyên, ưu tiên nguồn lực hợp lý cho đầu tư phát triển.

Điều quan trọng phải duy trì quy mô đầu tư công hợp lý, việc duy trì một tỷ trọng đáng kể chi đầu tư phát triển là rất quan trọng nhằm đạt được quy mô, tốc độ tăng trưởng đã đề ra. Đồng thời, thực hiện các biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả đầu tư công, có cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia vào lĩnh vực đầu tư công, việc mở rộng đầu tư công của Chính phủ thể hiện bằng chính sách tài khóa chủ động sẽ mang lại “hiệu ứng thu hút” cho đầu tư tư nhân. Đầu tư tư nên được sử dụng như một động lực mới cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo trong việc kích thích tổng cầu xã hội.

Thứ hai, các nguồn tài nguyên đất nước, đặc biệt là đất đai cần được đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giải phóng nguồn lực quan trọng này. Đồng thời, tập trung giải quyết những vướng mắc, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc đưa đất vào sử dụng, sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch treo, bỏ hoang đất đai.

Đại biểu dẫn chứng, thực trạng hiện nay vẫn còn những khu đất vàng, ở những khu vực đắc địa, trung tâm các đô thị; những vị trí tiềm năng về du lịch, dịch vụ nhưng chưa được đưa vào sử dụng, khai thác, bị bỏ hoang rất lãng phí, gây mất mỹ quan và nhiều hệ lụy khác.

476353809_1012513277360440_8396487996872911377_n.jpg
Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: VĂN HIẾU

Thứ ba, đẩy nhanh triển khai và đưa các dự án đầu tư vào khai thác, sử dụng. Nhà nước phải đồng hành với doanh nghiệp, chủ đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm sao rút ngắn thời gian hiện thực hóa từ ý tưởng thành dự án đi vào hoạt động càng nhanh càng tốt.

Đại biểu cho biết, nhiều dự án triển khai kéo dài nhiều năm, thủ tục rất rườm rà, phức tạp, triển khai gặp nhiều vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng; theo đó cơ hội đầu tư sẽ trôi đi, nhiều nhà đầu tư gồng gánh nợ đến mức phải phá sản, đất nước mất đi động lực cho tăng trưởng.

Thứ tư, cùng với nội lực, cần đẩy mạnh hơn nữa thu hút các nguồn vốn FDI, đây sẽ là một trong những động lực quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng 8% và 2 con số trong giai đoạn đến. Việt Nam tự hào có nền chính trị ổn định, môi trường an ninh đảm bảo, quan hệ đối ngoại tốt; nhưng rõ ràng chúng ta vẫn còn thua thiệt trong thu hút vốn đầu tư FDI do thể chế chưa thông thoáng, chưa có tính cạnh tranh cao. Do vậy, đại biểu đề xuất cải cách thể chế, mạnh dạn tạo ra những cơ chế đột phá, ưu đãi sâu để thu hút những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, nhất là nhà đầu tư công nghệ cao.

Bên cạnh thu hút mới vốn FDI, đại biểu đề nghị quan tâm hơn để những nhà đầu tư đã vào trước đây tiếp tục bỏ vốn mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, phải chứng minh cho các nhà đầu tư thấy được đây là mảnh đất lành, có nhiều cơ hội sinh sôi, phát triển nếu đầu tư tại Việt Nam.

Đại biểu Lê Văn Dũng cũng kiến nghị Quốc hội hết sức cân nhắc việc đặt ra các sắc thuế mới, các khoản thu, chính sách làm bất lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư hiệu quả ở Việt Nam; phải tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết với nhà đầu tư, đảm bảo về sự an toàn khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.

Vấn đề cuối cùng, là việc quản lý tài chính công phải thật thận trọng và hiệu quả, phải đảm bảo cân bằng giữa chi đầu tư và chi thường xuyên nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Với những kịch bản đã đưa ra cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của người dân, đại biểu Lê Văn Dũng hy vọng nhất định sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.



Nguồn: https://baoquangnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-nam-de-xuat-nhieu-giai-phap-dat-muc-tieu-tang-truong-8-tro-len-3149023.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available