Từ một công ty viễn thông với mạng lưới phủ sóng cả nước, MobiFone đã và đang chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ chủ lực của Việt Nam.
“MobiFone, từ khi khai sinh đã mang trong mình sứ mệnh của người tiên phong, mong muốn mang đến những giải pháp mới cho khách hàng và dẫn dắt thị trường. Với khát vọng đó, MobiFone quyết định chuyển mình trở thành doanh nghiệp công nghệ”, đại diện MobiFone chia sẻ.
Doanh nghiệp tham gia triển khai Chiến lược quốc gia phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, an toàn thông tin mạng, và Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045).
Động lực chuyển đổi
Thị trường viễn thông trải qua hai cuộc đổi mới. Lần thứ nhất từ công nghệ analog sang công nghệ số, lần thứ hai từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số và từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số (hạ tầng phát triển nền kinh tế số).
“Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông nói chung, MobiFone nói riêng cần định vị mình, phát huy thế mạnh sẵn có và tiếp tục phát triển”, đại diện doanh nghiệp viễn thông chia sẻ.
Cũng theo vị này, thị trường viễn thông đã bước vào giai đoạn bão h
òa. Doanh thu toàn ngành viễn thông nửa đầu 2022 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện có 127 triệu thuê bao di động trên gần 100 triệu dân. Sự cạnh tranh đã đẩy giá cước xuống, giảm khả năng sinh lời.
Người dùng cũng dần chuyển sang phương thức kết nối qua Internet, ít có thói quen nhắn tin SMS hay gọi điện thoại thông thường. Trên 90% thị phần hiện thuộc về ba nhà mạng lớn nhất, trong đó có MobiFone, nghĩa là dư địa để mở rộng vẫn còn, nhưng khó có thể phát triển đột phá, theo đại diện MobiFone.
Trên phạm vi toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy sự bùng nổ của Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Công nghệ số đem đến nhiều cơ hội cho sự đột phá trong sản phẩm và dịch vụ, cải thiện quy trình sản xuất, giảm chi phí và tăng hiệu quả.
Tối ưu hóa chuyển đổi
Với MobiFone, yếu tố đầu tiên và tiên quyết để việc chuyển đổi được trơn tru và thành công là con người. Trải qua ba thập kỷ, doanh nghiệp đã tạo ra môi trường làm việc sáng tạo, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có tầm nhìn, năng động, thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ và thị trường.
Đại diện MobiFone chia sẻ: “MobiFone chú trọng xây dựng các nền tảng, công cụ hỗ trợ các cán bộ công nhân viên có thêm không gian để sáng tạo, tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, giúp nâng cao hiệu quả công việc và nâng cao trải nghiệm của khách hàng nội bộ. Với tinh thần thần tốc – đổi mới, mỗi người MobiFone luôn phát huy giá trị cốt lõi chuyên nghiệp – hiệu quả làm kim chỉ nam cho mọi hành động.”
MobiFone cũng đổi mới cách thức, tối ưu hóa hoạt động để đạt hiệu quả kinh doanh tối đa, ứng dụng công nghệ nội bộ để tối ưu hoá quy trình, giảm thiểu chi phí và tăng năng suất. Doanh nghiệp lên kế hoạch tăng cường hợp tác với các công ty và tổ chức trong ngành công nghệ để hiểu và tận dụng các cơ hội mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ Việt Nam.
Song song, MobiFone dành một phần lợi nhuận hàng năm cho công tác R&D – nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ chất lượng cao, cung cấp cho khách hàng các giải pháp hiệu quả, tiện ích và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chiến lược chuyển đổi số
MobiFone là một doanh nghiệp hạ tầng. Khi chuyển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, hạ tầng điện toán đám mây và hạ tầng công nghệ số), MobiFone đặt mục tiêu trở thành một trong ba công ty hạ tầng số hàng đầu Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường viễn thông đã dần bão hoà, MobiFone đề ra kế hoạch “giữ vững viễn thông – tấn công không gian mới”. Theo đó, mục tiêu tới năm 2025 của tập đoàn dựa trên 5 trụ cột chính là Khách hàng, Sản phẩm, Công nghệ, Vận hành, Năng lực.
Trong đó, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhanh chóng các sản phẩm dịch vụ số mới ngoài viễn thông như kinh doanh hạ tầng số, cung cấp các nền tảng, giải pháp số – nội dung số, xây dựng hệ sinh thái số MobiFone hoàn chỉnh.
Dự kiến, các dịch vụ số mới sẽ chiếm 27% tổng doanh thu vào năm 2025 như thương hiệu giới trẻ, nội dung số, thanh toán số, quảng cáo số, trò chơi trực tuyến, y tế số, dịch vụ Cloud, an ninh, an toàn thông tin, giáo dục số, IoT.
Trong đó, các lĩnh vực giáo dục số và y tế số sẽ có xu hướng đóng góp doanh thu ngày càng lớn cho doanh nghiệp.
MobiFone đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực phát triển mới kết nối di động, giải pháp công nghệ thông tin doanh nghiệp và dịch vụ số. Hiện MobiFone đã xây dựng được một hệ sinh thái số với các giải pháp giáo dục số mobiEdu, truyền thanh thông minh, y tế số, tài chính số (hệ sinh thái MobiFone Money bao gồm ví điện tử và tiền điện tử) và văn phòng không giấy tờ Smart Office…
“Không chỉ đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân, các giải pháp này còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia và theo kịp xu thế số hóa toàn cầu,” đại diện MobiFone cho biết.
MobiFone đang chuyển mình để đón đầu công nghệ, đáp ứng, kiến tạo các nhu cầu trong nền kinh tế số, đời sống số của khách hàng. Các loại hình dịch vụ đa dạng giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, tạo ra nền tảng, công cụ giúp khách hàng có nhiều không gian hơn để sáng tạo.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế tiêu cực, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp; đồng thời, đem đến sự tiện lợi, nâng cao trải nghiệm khách hàng, hướng đến tương lai số cho tất cả các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp của MobiFone.
Trong thời gian tới, MobiFone sẽ tập trung đầu tư phát triển và kinh doanh các nền tảng (platform) công nghệ mới, khai thác công nghệ như một loại dịch vụ (technology as a service) để nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú thêm trải nghiệm của người dùng.
Phong Vân