Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị làm rõ hơn các quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu, tính bảo mật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước và đã xác định là cơ sở dữ liệu duy nhất của Nhà nước được Chính phủ đầu tư bài bản. Cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm được quản lý, giám sát bởi đội ngũ chuyên môn về công nghệ thông tin, an ninh mạng. Việc truy xuất thông tin được thực hiện theo quy trình kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ, bảo đảm tính bảo mật và an toàn thông tin.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hoá) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 thành Luật Căn cước năm 2023 là bước đổi mới quản lý dân cư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công tác quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân và chuyển đổi số quốc gia. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Đại biểu đề nghị bổ sung các thông tin sau vào Điều 9 dự thảo luật gồm: Sổ bảo hiểm xã hội, sổ thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, các giấy tờ hộ tịch được cấp. Mục đích bổ sung để cập nhật đầy đủ các thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thực hiện có hiệu quả việc quản lý dân cư.
Về ý kiến không nên giao Chính phủ quy định các thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà quy định ngay trong luật để đảm bảo quyền của công dân, Đại biểu Võ Mạnh Sơn thống nhất với ý kiến giữ nội dung này như dự thảo luật Chính phủ trình. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết những thông tin khác được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vừa đảm bảo tính ổn định của dự thảo luật nhưng vẫn có tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu thu thập, cập nhật thông tin trong từng thời kỳ, đồng thời phù hợp với quy định tại điểm d khoản 3 Điều 40 Luật Giao dịch điện tử.
Tại khoản 12 Điều 9 dự thảo luật quy định về thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm cả nhóm máu, Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm bởi quy định như vậy ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và có tiêu cực khác, nếu thông tin cá nhân này công khai; đồng thời nội dung này cũng không thống nhất với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú năm 2020. Nhóm máu khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó. Theo đó, pháp luật về cư trú không bắt buộc công dân phải cập nhật nhóm máu lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong trường hợp công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành cập nhật theo yêu cầu của người dân. Quy định như vậy sẽ mang tính chất nhân đạo, khoa học hơn.
Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết, tại khoản 6 Điều 10 dự thảo luật quy định cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có những thông tin liên quan đến bí mật cá nhân và đời sống riêng tư của công dân. Mặt khác, các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau dẫn đến phạm vi, mục đích khai thác cũng khác nhau. Do đó, để tránh việc lạm dụng, đánh cắp thông tin cũng như bảo vệ bí mật cá nhân của công dân, Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu cần có những quy định cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được phép khai thác và bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành nội dung này.
Về quy định tích hợp thông tin vào căn cước tài khoản định danh điện tử, dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định được sử dụng thường xuyên của công dân. Ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp và có thông tin được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân để giúp giảm các giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch dân sự.
Thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho biết, hiện nay nhiều công dân vẫn sử dụng song song hai hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân. Việc này có thể dẫn đến tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng tình trạng, thực trạng pháp lý của các giấy tờ gốc.
Để khắc phục việc này, Đại biểu đề xuất cần có những giải pháp để việc tích hợp, kết nối đầy đủ, kịp thời và khẳng định tính pháp lý các thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử để phục vụ người dân thuận tiện trong thực hiện các giao dịch hành chính, đáp ứng việc chuyển đổi số, chuẩn hóa số liệu, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho nhân dân.