Vào thập niên 1920, “thế hệ mất mát” (lost generation) gồm những nhà viết tiểu thuyết và truyện ngắn còn bi quan, chán chường, cảm thấy lạc lõng trong một xã hội mất lý tưởng.
Nhà văn Ernest Hemingway. (Nguồn: Getty Images) |
Francis Fitzgerald (1896-1940) tự cho mình là đại diện của “kỷ nguyên jazz” những năm 20, “khi thế hệ mới, lớn lên để thấy tất cả các thần minh đã chết, chiến tranh đã kết thúc, tín ngưỡng trong con người đều bị khuynh đảo”.
Nhưng có lẽ tiêu biểu cho “Thế hệ mất mát” là Ernest Hemingway (1899-1961), nhà văn tự sát bằng súng trường. Dos Passos (1896-1970) có tâm trạng u buồn, thất vọng, ông đặt vấn đề siêu hình về thân phận con người. William Faulkner (1897-1962) đan chủ đề sự tha hóa và cô đơn của con người với chủ đề miền Nam nước Mỹ suy thoái trong những tiểu thuyết thể nghiệm kỹ thuật viết.
Henry Miller (1891-1980) đã phá công thức xã hội tư sản, ông gạt bỏ các quy tắc văn học một cách vô chính phủ, đề cập tình dục với một cái nhìn cách mạng, ông viết những truyện độc đáo, hài hước, kệch cỡm, nửa tình dục, nửa huyền bí, với những chủ đề có tính chất bệnh hoạn tâm thần.
Thomas Wolfe (1900-1938) viết rất sâu về New York, cảm thấy lạc lõng đối với xã hội quanh mình, ông không phê phán nó, mà tập trung viết về chính mình và những người mình biết.
Vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX, trường phái thơ hiện đại (the modernists) xuất hiện. Dòng thơ Mỹ-Anh “ý tượng chủ nghĩa” (imagism) ra đời khoảng sau 1910, chủ trương ngắn gọn, có khi chỉ bốn năm câu, tái tạo hình ảnh của cá nhân (không phải chỉ là miêu tả), thơ tự do chống lại kiểu tình cảm công thức.
Đại diện tiêu biểu của dòng thơ này là Ezra Pound (1885-1972), thường ở châu Âu; về sau thơ phát triển sang một thể tối nghĩa, phức tạp. Chịu ảnh hưởng của Pound, Thomas Stearns Eliot (1888-1965) là nhà thơ Mỹ nhập quốc tịch Anh (giải thưởng Nobel) được coi là thi bá của thơ hiện đại thế kỷ XX; ông đề cập sự hoài nghi và trống rỗng tâm hồn con người, viết kịch thơ, luận văn siêu hình và tôn giáo.
Cũng vào thập kỷ 20, dòng thơ Fugitive (“Thoáng qua” – do tên tờ tạp chí thơ The Fugitive) tập hợp một số thơ miền Nam ca ngợi sự trung thành với đời sống thôn dã, có tính chất bảo thủ của miền Nam; tìm thi hứng ở quê hương chứ không hướng ngoại như trường phái thơ hiện đại. Đứng đầu là John Crowe Ransom (1888-1974).
Sân khấu mới nở rộ, đặc biệt với Eugene Gladstone O’Neill (1888-1953, bốn lần đoạt giải Pulitzer cho kịch và giải Nobel Văn học năm 1956), chuyển từ chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa hiện thực sang tư duy siêu hình, sử dụng phân tâm học với sắc thái bi quan, nhất là vào những năm 30 kinh tế khủng hoảng (những năm này, sân khấu chú trọng đến những vấn đề xã hội).
Thập kỷ 30 là thời kỳ khủng hoảng. Đây là thời kỳ chủ nghĩa hiện thực chi phối văn học. Tiểu thuyết, truyện ngắn lấy hiện thực xã hội và những vấn đề có thực của con người làm đối tượng sáng tác. Mỗi tác phẩm là một bức tranh sinh động quen thuộc về con người và đời sống xung quanh.
Erskine Caldwell (1903-1987) viết 26 cuốn tiểu thuyết bán 40 triệu bản (trong đó có Con đường thuốc lá, 1952); nỗi cơ cực của vô sản da trắng và da đen tại các bang miền Nam. John Steinbeck (1902-1968) kể về nỗi cơ cực của công nhân và đặc biệt nông dân miền Nam bị chiếm đất và bóc lột thảm hại khi lang thang đến miền Tây.
Thời kỳ Đại khủng hoảng và Thế chiến II cũng là thời kỳ độc giả tìm thoát ly khỏi thực tế bằng hai thể loại văn học: truyện trinh thám và tội phạm với Dashiell Hammett (1894-1961), Raymond Chandler (1888-1959), James Mallahan Cain (1892-1977); tiểu thuyết lịch sử với Margaret Mitchell (1900-1949). Những năm 30, Pearl Buck (1892-1973), con gái những mục sư ở Trung Quốc viết tiểu thuyết về một lĩnh vực riêng biệt.
Vào thập kỷ 40, tiểu thuyết “cao bồi” bắt đầu lại thịnh hành và từ những năm 50, phim “cao bồi” cũng được nâng lên một chất lượng mới. Những năm 60, vô tuyến cho thâm nhập các gia đình hình ảnh người anh hùng “cao bồi” miền Tây, tự tin, dũng cảm. Từ sau Thế chiến II, các tác phẩm văn học và số lượng tác giả nhiều đến chóng mặt.
Ngay sau chiến tranh, một số nhà văn trẻ phân tích ảnh hưởng của chiến tranh đến tính cách con người: Norman Mailer (1923-2007) trong Những người trần truồng và những người chết (the Naked and the Dead, 1948) kể về một nhóm trinh sát Mỹ xâm nhập một đảo do Nhật chiếm đóng, quân đội như một chiếc xe lăn đường nghiền nát cá nhân; Irwin Shaw (1913-1984) chống quân Nhật và phát xít trong Những con sư tử nhỏ (The Young Lions, 1948). Trong cuốn tiểu thuyết trào phúng châm biếm chiến tranh và bộ máy quan liêu Catch – 22 (1961), Joseph Heller (1923-1999) coi chiến tranh là một sự luyện tập vô lý cho người điên.
Những nhà thơ hậu chiến tuy theo hình thức truyền thống nhưng vẫn diễn tả cảm xúc mạnh mẽ, như Robert Lowell (1917-1977), Theodore Roethke (1908-1963). Nhưng có những nhà thơ thể hiện thi pháp mới, nhất là nhóm San Francisco, thành phần quan trọng của trường phái “Thế hệ Beat” là thế hệ phản kháng những ước lệ xã hội công nghiệp, kỹ thuật và có hoài bão sống trần trụi không có đồ vật gì thừa, vứt bỏ lối sống và những giá trị của tầng lớp trung lưu. Thực chất là một trào lưu thi ca trữ tình tương đối có tầm cỡ nhất từ sau Thế chiến II. Tiêu biểu là Lawrence Ferlinghetti (1919-1921), Allen Ginsberg (1926-1997), Jack Kerouac (1922-1969), William Burroughs (1875-1950).