"Muộn mằn" và "eo thẹo" có thể nói là hai tính từ gợi tả đúng nhất về các truyện ngắn của bà. Và Sẽ mang theo chính là tuyển tập cho thấy điều đó. Không phải là tập truyện mới, đây là tác phẩm gồm 21 truyện ngắn được Dạ Ngân chắt lọc một cách kỹ càng - từ mới nhất là truyện cùng tên viết trong giai đoạn thành phố giãn cách xã hội trong mùa dịch năm 2020, đến tác phẩm giúp bà gây tiếng vang trên văn đàn Việt vào năm 1985 là Con chó và vụ ly hôn. Tuyển chọn trong 4 thập niên không ngừng khuấy động tâm trí độc giả, đây là tác phẩm có nhiều ý nghĩa: giúp ai đã yêu Dạ Ngân có dịp nhìn lại hành trình của bà, nhưng cũng đồng thời là cơ hội để thế hệ sau có thể bắt đầu bước vào một "cõi" nhiều nỗi niềm của riêng Dạ Ngân.
Nhà văn Dạ Ngân
Cõi lòng phụ nữ
Trong 21 truyện ngắn, không quá khó để thấy hai chủ đề liên tục trở đi trở lại trong đời cầm bút của bà, và một trong số đó chính là nỗi niềm của phụ nữ. Nhiều nhà phê bình nhận định chỉ qua cuốn tiểu thuyết ngắn Gia đình bé mọn và truyện ngắn Con chó và vụ ly hôn, Dạ Ngân đã tự khẳng định vị trí trong lòng bạn đọc. Điểm chung của chúng đều lấy phụ nữ làm nhân vật chính, từ đó làm bật lên những nỗi niềm cũng như tâm tư vốn dĩ chìm khuất sâu kín và rất khó dò. Dạ Ngân không chỉ phác thảo những nét bề nổi, mà đào rất sâu vào trong tận cùng để khám phá hết hỷ nộ ái ố của cuộc sống này.
"Muộn mằn" và "eo thẹo" có thể nói là hai tính từ gợi tả đúng nhất về các truyện ngắn của bà. Và Sẽ mang theo chính là tuyển tập cho thấy điều đó. Không phải là tập truyện mới, đây là tác phẩm gồm 21 truyện ngắn được Dạ Ngân chắt lọc một cách kỹ càng - từ mới nhất là truyện cùng tên viết trong giai đoạn thành phố giãn cách xã hội trong mùa dịch năm 2020, đến tác phẩm giúp bà gây tiếng vang trên văn đàn Việt vào năm 1985 là Con chó và vụ ly hôn.
Hình tượng nói trên trong các truyện ngắn của Dạ Ngân thường rất bé mọn và đầy eo thẹo. Họ không phải là những "nữ cường nhân" mà thay vào đó lại rất gần gũi. Điểm hay của bà là viết như thở. Bà không "son phấn" để điểm tô họ thành những nhân vật dễ bề quan trọng. Thế giới của họ là ruộng vườn, làng xã, gia đình, trách nhiệm. Họ co mình lại trong lễ nghĩa truyền thống và ngầm chịu đựng tổn thương thời thế. Trong mắt người khác họ bất động nhưng trong nội tâm là sóng ngầm không ngừng gào thét. Họ tồn tại song song giữa cái tốt, cái đẹp với cái xấu xa, giữa cao thượng và ích kỷ, giữa những giả trá bề mặt và cái khó dò, phức tạp bên trong…
Đối với Dạ Ngân, chính mạch nguồn ấy đã làm phong phú mạch văn riêng. Ở đó có sự tươi đẹp khi họ nhạy cảm, hy sinh, đồng cảm và thấu hiểu cho những người xung quanh dù quen dù lạ qua các truyện ngắn Vợ lính, Cùng trời cuối đất, Ai người Hà Nội, Trên mái nhà người phụ nữ… Nhưng đồng thời, họ luôn vương mang khía cạnh ngược lại. Đó là những người trong một gia đình nhân danh đủ thứ, từ truyền thống và tiêu chuẩn, tình thương và sự hy sinh để ngăn cản con cháu mình tìm thấy tình yêu (Nhà không có đàn ông). Đó cũng là sự ghen tức và đầy đớn đau khi "bạn đồng hành" một "kiếp vắng chồng" giờ đã tìm được bến đậu mới, trong Trinh nữ muộn, Bất giác sông dài.
Nhưng ngay cả thế cũng có lý do để ta thấu cảm - đó là nỗi đau, mất mát mà những cuộc chiến gây ra cho họ. Văn chương Dạ Ngân tuy viết về những thân phận nhỏ bé, nhưng nói theo cách khoa trương, đao to búa lớn, thì đây đồng thời là những tác phẩm có tính phản chiến. Không phải đến từ góc nhìn nam giới với những máu chảy đạn rơi, trong tập truyện này, ta thấy điều đó từ mất mát của người phụ nữ. Họ đã có lúc hành động thiếu lý trí, để cho cơn giận chiếm lĩnh bản thân… nhưng đến tận cùng không có gì khác ngoài những nỗi đau khiến trái hạnh phúc đến thật muộn mằn.
Bìa sách Sẽ mang theo do Liên Việt Books và NXB Phụ nữ VN ấn hành
Dáng hình cuộc chiến
Bắt đầu viết văn từ năm 1980, Dạ Ngân nhìn thấy quanh mình những tổn thương thời kỳ hậu chiến. Đó là những cuộc chia cách theo rất nhiều nghĩa, từ tình cảm không thể đáp đền khi đời lính và đời hậu phương cách biệt trong Tình câm, Xuân nữ… cho đến khi những khốc liệt đã kết thúc rồi, thì nỗi đau vẫn bám riết với những khuyết tật đẩy họ ra xa (Nỗi niềm gối trắng) và những tâm lý ít nhiều hư hoại (Cái hố của chúng tôi).
Trong Nỗi niềm gối trắng đã được dịch sang tiếng Anh và đưa vào tuyển tập Longings gồm 22 truyện ngắn của 22 nhà văn nữ VN tiêu biểu vào năm 2024, Dạ Ngân viết về tổn thương khiến người đàn ông không thể làm cha và cũng từ đó khước từ vợ mình. Người vợ suốt bao năm tháng chỉ còn biết cách cứ mỗi năm lại thay ruột gối, dẫu biết giữ giường sạch trơn thì hôn nhân này cũng không thể khác. Người phụ nữ trong truyện ngắn của bà cũng như màu trắng và thứ ruột gòn đầy tinh khôi ấy - thanh tân, sạch sẽ, khát khao yêu đương, nhưng chính cuộc chiến đã mang buồn phiền vào trong bộ não rồi sẽ gối đầu lên nó từng đêm thao thức.
Thời hậu chiến cũng khiến con người ta bỗng dưng đổi khác, khi định mệnh đã dẫn họ vào những ngả đường riêng rối như tơ vò, khiến nhiều người đâm vào khó xử hoặc không biết phải làm thế nào như chuyện chồng chung trong Dù phải sống ít hơn. Ta cũng thấy nó trong chính truyện ngắn được chọn cùng tên với tập sách này, khi những tình cảm e ấp giờ phải nhường chỗ cho những quyết định không mấy dễ dàng vì thế hệ sau, để từ câu hứa "Về đi, thôi há?" đã trở thành "Đi đi, thôi há?"…
Bằng những truyện ngắn chứa đầy nỗi niềm, có thể nói Dạ Ngân là một trong những tác giả sở hữu khả năng khai thác tâm lý phụ nữ đầy rung cảm, để ta thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng họ. Đồng thời qua những truyện này, ta sẽ nhìn thấy một nỗi đau chung của toàn dân tộc, khi "những cuộc chiến cứ mắc vào nhau như những cái khoen của sợi dây lòi tói, có nói gì thì vẫn là máu xương cho dù sợi dây ấy dài ra", để không lặp lại những khốc liệt này.
Nhà văn Dạ Ngân tên thật là Lê Hồng Nga, sinh năm 1952 tại Long Mỹ, Hậu Giang. Bà có 9 năm làm báo trong chiến khu Tây Nam bộ và bắt đầu viết văn từ năm 1980. Bà đã phát hành 8 tập truyện ngắn (ngoài ra còn có 9 truyện in chung), 3 tiểu thuyết và 7 tập tản văn. Nhiều tác phẩm của bà đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp...
Nguồn: https://thanhnien.vn/sach-hay-nhung-hanh-phuc-eo-theo-va-muon-man-185250207201641661.htm
Bình luận (0)