William Cuthbert Faulkner (1897-1962) là bậc thầy tiểu thuyết hiện đại phương Tây. Ông viết truyện ngắn và tiểu thuyết, được Giải thưởng Nobel năm 1950.
Nhà văn William Cuthbert Faulkner. |
Xuất thân từ gia đình quý tộc miền Nam sa sút vì nội chiến (1861-1865). Ông tham gia Thế chiến I trong không quân Canada nhưng không chiến đấu trực tiếp.
Những tác phẩm đầu tay của ông ít được chú ý. Ông bắt đầu nổi tiếng với Nơi tôn nghiêm (1931). Đa số đề tài của ông đề cập sự thay đổi ở miền Nam nước Mỹ sau nội chiến. Sartoris (1929) miêu tả tầng lớp quý tộc miền Nam suy thoái và một giai cấp kinh doanh tầm thường “phất” lên. Năm 1931, ông dọn về trang trại riêng ở Rawanoak và viết Ánh sáng tháng Tám (1932), đề cập quan hệ giữa người da đen và người da trắng, lên án những hành động cực đoan phân biệt chủng tộc. Mặt khác, đối với người da đen, ông hơi có thái độ gia trưởng trịch thượng. Ông sống theo kiểu nhà quý tộc có trang trại, không muốn tự nhận là văn sĩ.
Faulkner viết nhiều truyện rùng rợn với sắc thái độc đáo: Âm thanh và Cuồng nộ (1929), Khi tôi hấp hối (1930), Ôi Absalom! Ôi Absalom (1936). Cuốn Bất khuất (1938) trình bày nhiều cảnh và nhân vật thời nội chiến. Trong bài diễn văn đọc khi nhận giải Nobel, ông tuyên bố chống chiến tranh và khẳng định tư tưởng nhân đạo của người cầm bút. Về cuối đời, tư tưởng nhân đạo của ông đi xa hơn: Một chuyện ngụ ngôn (1954), chống chiến tranh; Tòa nhà (1959) chống chủ nghĩa phát xít. Tư tưởng của Faulkner căn bản bi quan. Các nhân vật của ông đều là nạn nhân của số mệnh, đều phải trả một món nợ tiền kiếp nào đó.
Tác phẩm của Faulkner với những nhân vật có đặc trưng rất Mỹ: Đại tá các bang miền Nam, người da đen an phận, tên phe phẩy cỡ bự. Triết lý siêu hình của Faulkner xuất phát từ khái niệm tội lỗi và ân trên, rất hợp với tâm lý mặc cảm tội lỗi của nền văn hóa sau một cuộc chiến tranh tàn phá kéo dài năm năm. Tấn bi kịch của nhân loại trở lại dã man trong chiến tranh đã gây ra mối đồng cảm của một cộng đồng “những kẻ có tội” tìm phương cứu vớt, mỗi cá nhân sám hối theo cách của mình, cái tội chung đó, có khi mình chẳng tham gia mà còn là nạn nhân nữa.
Faulkner đan chủ đề về sự tha hóa và cô đơn của con người thế kỷ XX với chủ đề miền Nam nước Mỹ (hậu quả gánh nặng của chế độ nô lệ, quan hệ da trắng, da đen, sự bất lực của quý tộc không đáp ứng nổi những đòi hỏi của cuộc sống hiện đại). Faulkner còn gắn cổ đại với hiện đại bằng cách đưa bi kịch Hy Lạp – vai trò của định mệnh – vào truyện trinh thám.
Nghệ thuật viết của Faulkner có đôi lúc “kỳ quặc”: bố cục phức tạp, kể chuyện hay bắt đầu bằng đoạn cuối, lấy một tên gán cho nhiều nhân vật, tránh không gọi tên và miêu tả những sự kiện quan trọng, ném độc giả vào những tình huống rối beng phải tự gỡ lấy mà hiểu, hay kể ít nhất là hai câu chuyện một lúc, chuyên môn dùng động từ vào thời hiện tại để làm sống lại dĩ vãng, chồng chất hình dung từ, kéo dài một câu có khi hàng trang, cố tình xóa nhòa thời gian để diễn tả “dòng ý thức” thường trộn lẫn hiện tại, quá khứ, tương lai.
Âm thanh và cuồng nộ được coi là một trong năm sáu kiệt tác của Faulkner. Cuốn tiểu thuyết, một thể nghiệm triệt để về hình thức và kỹ thuật, kể về sự tan vỡ của một gia đình quý tộc miền Nam. Ảnh hưởng của Joyce khá rõ rệt đối với tác phẩm này.
Nơi tôn nghiêm là một cuộc điều tra bi quan và sâu sắc về quá trình tự phát của cái ác. Truyện kể về Temple một nữ sinh 17 tuổi bị chi phối bởi tên Popeye. Chính Temple có hành động khiêu dâm khiến Popeye hiếp dâm mình và giết một người định bảo vệ mình. Popeye là một tên cặn bã của văn hóa đô thị, nhưng về mặt nào đó lại là sản phẩm và nạn nhân của môi trường xã hội. Còn Temple thì vừa sợ vừa khoái: Popeye đưa cô vào một nhà chứa, về sau ở phiên tòa xử vụ hiếp dâm và giết người mà cô chứng kiến, cô lại bên Popeye, khai man, đổ tội cho một người vô tội là Goodwin. Ở tòa, Benbowe Horace – một tên buôn rượu lậu cố bênh Goodwin không được và anh này bị quần chúng xử tử vì một vụ sát nhân mà không phải hắn là thủ phạm, thật là mỉa mai.
Ánh sáng tháng Tám, cuốn tiểu thuyết đề cập vấn đề mà Faulkner thường quan tâm: xã hội sắp xếp con người theo các thành kiến chủng tộc, tín ngưỡng và nguồn gốc. Nhân vật chính, đồng thời là nạn nhân, là Joe Christmas, anh bề ngoài có vẻ da trắng, sự thực thì lai da đen. Anh đi lại với một phụ nữ không chồng là Joanna mà dân địa phương nghi kỵ và ít có cảm tình vì vốn là người tít miền Đông Bắc. Cuối cùng, Joe giết chị ta và đốt nhà. Anh bị bắt, bị dân phố thiến rồi giết chết. Joanna tự nhiên lại trở thành một vị thánh da trắng tử vì đạo, bị một tên da đen tấn công và giết.
Ôi Absalom! Ôi Absalom! là một tác phẩm hết sức độc đáo, điển hình cho phong cách Faulkner, gây những tiếng vang tượng trưng siêu hình kiểu tiểu thuyết tượng trưng Anglo-Saxon (Conrad chẳng hạn). Công cuộc tìm kiếm đào sâu vào thời gian, đôi lúc phảng phất tiểu thuyết trinh thám, nhiều cảnh nặng nề “vật chất hóa” các tư duy, cảm xúc, tình cảm trong cuộc tìm kiếm ngập ngừng ấy.
Có thể coi tiểu thuyết này là câu chuyện về sự suy sụp của gia đình Sutpen; nó gợi lại nhiều chuyện Kinh thánh, đặc biệt chuyện Absalom là một hoàng tử âm mưu hại cha, trốn đi, tóc bị mắc vào cành cây và bị giết, vua cha thương xót kêu khóc: “Ôi Absalom! Ôi Absalom!”. Đây là câu chuyện một số phận cá nhân gắn với lịch sử miền Nam nước Mỹ theo chế độ nô lệ.
Nhân vật trung tâm là Thomas Sutpen, con một người da trắng nghèo, có tham vọng trở thành quý tộc miền Nam và xây dựng được một gia đình giàu có. Trong cuộc nội chiến Bắc – Nam, ông được bầu làm trung tá trong quân đội miền Bắc. Khi trở về nhà, thì đồn điền đã hoang phế. Trước đó, con gái Judith có con với người yêu là Bon, nguyên là anh em khác mẹ và lai da đen; con trai của ông đã giết chết Bon và bỏ trốn.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dao-choi-vuon-van-my-ky-16-280241.html