ItalyUống rượu vang ủ từ vườn nho địa phương, ăn rau củ quả và thịt hữu cơ được nuôi trồng trên những cánh đồng trù phú là bí quyết sống thọ của người dân Sardinia.
Đảo Sardinia, Italy, có tỷ lệ người sống thọ cao nhất thế giới. Tại hòn đảo này, cứ 2.000 đến 3.000 người thì khoảng 6 người sống đến trăm tuổi, Valter Longo, giám đốc Viện Tuổi thọ Đại học Nam California, cho biết. Bên cạnh đó, số lượng nam giới trăm tuổi cũng nhiều hơn nữ giới. Đây được coi là điều hiếm thấy vì tuổi thọ trung bình của đàn ông hầu hết thấp hơn phụ nữ.
“Về mặt nhân khẩu học, khu vực này khác biệt bởi đàn ông sống lâu một cách kỳ lạ. Tại Mỹ, cứ một người đàn ông sống đến trăm tuổi thì có tới 5 phụ nữ độ tuổi tương đương. Tại Sardinia, tỷ lệ đó là 1:1”, tiến sĩ Dan Buettner, chuyên gia nghiên cứu về các Vùng Xanh trường thọ của thế giới, cho biết.
Ông đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến người dân tại Sardinia có thể sống lâu và khỏe mạnh.
Uống rượu vang
Những năm gần đây, thói quen ăn uống của người Sardinia trở nên phong phú hơn. Đó là kết quả của làn sóng người nhập cư, mang phong cách nấu ăn của riêng mình tới hòn đảo.
Tuy nhiên, một thành phần chính vẫn luôn tồn tại trong ẩm thực Sardinia, đó là rượu vang canonau, với hàm lượng chất chống oxy hóa cao đặc biệt. Theo Sebastian Piras, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim đến từ Sardinia, loại rượu vang truyền thống này được làm từ giống nho Grenache. Các chai rượu canonau ủ từ vườn nho địa phương, thậm chí không có nhãn. Quán bar thường phục vụ chúng trong một chiếc ly thủy tinh cỡ trung bình.
Nghiên cứu trước đó cho thấy uống một cốc rượu vang đỏ mỗi ngày giúp ngăn ngừa bệnh tim, thậm chí bệnh ung thư. Các nhà khoa học chỉ ra rằng sử dụng lượng rượu ít hoặc vừa phải giúp giảm stress, cải thiện tuần hoàn máu. Các thành phần rượu có thể làm giảm nguy cơ một số bệnh như đột quỵ, ung thư đường tiêu hóa trên, ung thư phổi và gãy xương hông.
“Món ăn của nông dân”
Theo tiến sĩ Buettner, ẩm thực của Sardinia được mô tả là “món ăn của những người nông dân”. Thức ăn chủ yếu là đậu, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt. Người dân cũng ưa thích bánh mì và phô mai, chủ yếu là Pecorino. Người Sardinia thường tiêu thụ các loại thực phẩm được trồng trên chính khu vườn của mình.
Piras chia sẻ tại quê hương Barbagia của anh, vào những năm 1970, các gia đình thường ăn mì ống tự làm, thịt lợn hoặc thịt cừu.
“Ở khu tôi sống, thịt là nguyên liệu chính trong chế độ ăn. Đặc sản ở đây có heo sữa, thịt cừu và thịt bò. Rau chủ yếu là củ cải, thì là, cần tây, rất cơ bản. Tùy thuộc vào vụ mùa, chúng tôi cũng ăn măng tây dại. Chúng có hương vị rất đậm, khác với ở Mỹ”, anh nói.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Buettner, thức ăn chỉ chiếm 25% trong các yếu tố trường thọ ở Sardinia. Bí quyết quan trọng để người dân sống đến trăm tuổi là các bài tập luyện hàng ngày. Do địa hình dốc, nhiều núi và lối sống đặc trưng của người chăn cừu, người dân Sardinia luôn ở trạng thái tập thể dục cường độ thấp và trung bình, dù không chủ đích.
Bữa trưa là bữa ăn lớn nhất trong ngày
Người Sardinia dùng bữa trưa thịnh soạn, với đầy đủ khai vị, bữa chính và tráng miệng, ăn kèm salad, mì ống tự làm và pho mát Pecorino. Dù làm việc bận rộn, người dân thường cố gắng về ăn trưa cùng gia đình. Sau bữa ăn, họ ngủ trưa và quay trở lại làm việc.
Vào bữa tối, người Sardinia thường ăn ít và muộn hơn so với bình thường. Bữa sáng có nhiều đồ ngọt, ăn sớm. Điểm chung của các loại thực phẩm là sự đơn giản. “Kể cả các gia đình giàu có, bữa ăn cũng rất đơn giản. Chúng tôi không sử dụng nhiều nguyên liệu như những món ăn gốc của người Italy. Và chúng tôi ăn đồ rất tươi”, Piras nói.
Tôn trọng thế hệ cao niên
Khác với ở Mỹ, nơi người già sống biệt lập trong các viện dưỡng lão hoặc trung tâm hưu trí, người Sardinia không đặt tuổi nghỉ hưu cụ thể. Họ tạo cơ hội cho tầng lớp cao niên làm việc.
“Một điều mà người Mỹ cần học hỏi người Sardinia, đó là họ nhận thức được rằng người cao tuổi sở hữu trí tuệ. Họ tôn trọng sự khôn ngoan đó, dù là kinh nghiệm nói chung hay hiểu biết cụ thể về cách trồng trọt, thời điểm gieo hạt, cách đối phó với hạn hán, sâu bệnh”, Buettner nói.
Người lớn tuổi không chỉ được kính trọng vì vốn sống lâu dài, họ được tạo điều kiện làm việc như những thành viên khác trong gia đình.
“Các gia đình tại đây sẽ rất xấu hổ nếu đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Khi người lớn tuổi ở nhà, họ chăm sóc vườn tược, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng hoặc trông trẻ”, Buettner nói.
Piras vẫn thường xuyên ghé thăm quê hương dù đang sống tại thành phố New York. Ông cho biết, thông thường một gia đình ở Sardinia sẽ có ba thế hệ chung sống. Nếu người lớn tuổi chuyển đến nơi khác, gia đình sẽ hỏi thăm họ hàng ngày. Mối quan hệ giữa các thành viên vô cùng thân thiếu và khăng khít.
Thục Linh (Theo NBC News)