Đại dương khổng lồ nằm giữa châu Âu và châu Mỹ sẽ đóng kín sau 20 triệu năm nữa do ảnh hưởng của đới hút chìm.
Ngay trước khi các lục địa bắt đầu trôi dạt trở lại với nhau, các nhà nghiên cứu dự đoán một “vành đai lửa Đại Tây Dương” sẽ hình thành, kéo theo vùng hoạt động kiến tạo dịch chuyển từ Địa Trung Hải vào Đại Tây Dương, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Geology, Newsweek hôm 16/2 đưa tin. Điều này sẽ bắt đầu xảy ra trong khoảng 20 triệu năm nữa. Đó là thời gian ngắn về mặt địa chất học nhưng cực dài đối với con người.
Những mảng kiến tạo thường xuyên dịch chuyển ở tốc độ cực kỳ chậm. Đôi khi, đại dương ra đời khi mảng kiến tạo di chuyển xa nhau và đóng kín khi mảng kiến tạo trôi dạt trở lại với nhau sau hàng trăm triệu năm, trong quá trình mang tên Chu kỳ Wilson. Chính quá trình này thúc đẩy siêu lục địa Pangaea vỡ ra cách đây 180 triệu năm, hình thành Đại Tây Dương, và khiến đại dương cổ đại Tethys thu nhỏ thành biển Địa Trung Hải ngày nay.
Để Đại Tây Dương đóng kín, đới hút chìm mới cần hình thành. Đó là những nơi một mảng kiến tạo bị đẩy xuống dưới mảng khác, chìm vào lớp phủ của Trái Đất, xảy ra do chênh lệch mật độ giữa hai mảng. Thông thường, một mảng kiến tạo đại dương sẽ bị hút chìm xuống dưới mảng lục địa hoặc đại dương khác.
Đới hút chìm có đặc trưng là hoạt động địa chất dữ dội, bao gồm động đất, phun trào núi lửa và xuất hiện rãnh đại dương. Tuy nhiên, những khu vực này khó hình thành do mảng kiến tạo rất rắn và đới hút chìm đòi hỏi một mảng kiến tạo vỡ ra và uốn cong. Tuy nhiên, các đới hút chìm tồn tại từ trước có thể xê dịch trong quá trình gọi là xâm lấn hút chìm.
Theo nghiên cứu sử dụng mô hình máy tính để dự đoán mảng kiến tạo tương lai của Đại học Lisbon, đới hút chìm ở Địa Trung Hải bên dưới eo biển Gibraltar sẽ di chuyển vào sâu trong Đại Tây Dương hơn trong khoảng 20 triệu năm tới, tạo nên vành đai lửa Đại Tây Dương giống như ở Thái Bình Dương. João Duarte, nhà nghiên cứu ở Viện Dom Luiz của Đại học Lisbon và cộng sự mô tả đới hút chìm Gibraltar di chuyển chậm lại như thế nào trong vòng vài triệu năm qua. Rất ít nhà khoa học cho rằng nó vẫn hoạt động. Tuy nhiên, sau khi đới hút chìm này tiến vào Đại Tây Dương, nó sẽ hoạt động mạnh hơn, thúc đẩy Đại Tây Dương đóng kín.
“Có hai đới hút chìm khác ở hai đầu của Đại Tây Dương là Lesser Antilles ở Địa Trung Hải và Scotia Arc gần Nam Cực. Tuy nhiên, những đới hút chìm đó xâm lấn Đại Tây Dương cách đây vài triệu năm. Nghiên cứu đới Gibraltar là một cơ hội vô giá bởi nó cho phép quan sát quá trình ở giai đoạn đầu vừa mới xảy ra”, Duarte chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu kết luận đới hút chìm xâm lấn có thể là một cách phổ biến để các đại dương như Đại Tây Dương đóng kín, do đó là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới cách hành tinh tiến hóa về mặt địa chất.
An Khang (Theo Newsweek)