(BLC) – Chiều 12/7, Kỳ họp thứ mười sáu, HĐND tỉnh khóa XV đã dành thời gian chất vấn đối với UBND tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông một số vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm, kiến nghị: việc chậm ban hành giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng và giải pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động của trạm truyền thanh các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm ban hành giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng
Đại biểu Chang Thị Phương Thảo – Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, Tổ Đại biểu thành phố Lai Châu chất vấn:
Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri thành phố ý kiến bức xúc về giá hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất mộ và giá dịch vụ mai táng tại nghĩa trang Phan Lìn.
Tại khoản 1 điều 28 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định: “Đối với nghĩa trang, cơ sở hỏa táng được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước: Sở Xây dựng lập, Sở Tài chính thẩm định giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”. Tuy nhiên, qua giám sát, khảo sát, hiện nay UBND tỉnh chưa ban hành văn bản này.
Đề nghị UBND tỉnh cho biết: Nguyên nhân của việc chậm ban hành giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng? Hệ lụy và trách nhiệm của việc ban hành chậm? Bao giờ mới ban hành văn bản trên để khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nghĩa trang hiện nay?
Đồng chí Giàng A Tính – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:
Nguyên nhân của việc chậm ban hành giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng do giai đoạn năm 2019-2022 dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến công tác khảo sát không thực hiện được. Cuối năm 2022, dịch Coivd-19 được kiểm soát, UBND tỉnh đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cấp kinh phí và giao Sở Xây dựng để thực hiện khảo sát, lập đơn giá dịch vụ nghĩa trang trong năm 2023.
Việc chậm ban hành giá dịch vụ nghĩa trang dẫn đến các địa phương không có cơ sở tính toán, xác định giá cung cấp dịch vụ nghĩa trang cho người sử dụng, dẫn đến dịch vụ có các mức giá khác nhau, không có sự đồng nhất, gây khó khăn cho người sử dụng dịch vụ nghĩa trang.
Trong quá trình khảo sát tại các huyện, thành phố, tổng các nội dung danh mục cần ban hành là 11 danh mục. Tuy nhiên các huyện: Tam Đường, Phong Thổ chỉ đề nghị 5 danh mục, vì vậy Sở Xây dựng đang đề nghị các huyện đề xuất thêm danh mục để phù hợp bộ đơn giá dịch vụ nghĩa trang. Đến thời điểm hiện tại đơn vị tư vấn đang hoàn thiện phương án xây dựng đơn giá dịch vụ nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng sẽ hoàn thiện trình Sở Tài chính thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt (dự kiến trong tháng 9/2023).
Khắc phục khó khăn trong hoạt động của trạm truyền thanh các xã, thị trấn
Đại biểu Đào Xuân Huyên – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh chất vấn:
Hiện nay, trạm truyền thanh các xã, thị trấn tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị đã hỏng không sử dụng được), người phụ trách các trạm truyền thanh không có chuyên môn để biên tập tin, bài. Trách nhiệm của đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý Nhà nước đối với các nội dung trên? Đồng chí hãy cho biết các giải pháp khắc phục khó khăn trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Minh Hiệu – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời:
Tính đến nay, toàn tỉnh có 104 trạm truyền thanh cơ sở với 71 trạm truyền thanh có dây FM, 33 trạm ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông với 568 cụm loa. Tuy nhiên, mạng lưới truyền thanh cơ sở tại các xã đã xuống cấp, hư hỏng. Qua rà soát, hiện nay có 2 xã chưa có trạm truyền thanh xã; 54 xã có trạm truyền thanh nhưng đã hỏng các cụm loa cần thay thế, mở rộng; đa số trạm truyền thanh chưa có phòng để trang bị và làm việc riêng mà phần lớn đặt tại phòng hội trường của UBND xã. Kinh phí đầu tư, nâng cấp hệ thống trạm truyền thanh xã chủ yếu từ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong các năm qua, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu tốt quản lý nhà nước về thông tin cơ sở nói chung và trạm truyền thanh cơ sở nói riêng. Nhận thấy trách nhiệm của mình, thời gian tới Sở sẽ tích cực tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND thực hiện các giải pháp triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khảo sát thực tế hoạt động thông tin cơ sở ở địa phương.
Trong năm 2023 hoàn thành chỉ tiêu thiết lập mới 100% đối với các xã chưa có trạm truyền thanh; ưu tiên nâng cấp trạm truyền thanh bị hỏng, không còn sử dụng được sang trạm truyền thanh ứng dụng CNTT-VT; đến năm 2025: 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến các thôn, bản, tổ dân phố, nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp, phổ biển kịp thời thông tin thiết yếu đến người dân; phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở.