Tính đến tháng 9-2024, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã phát triển thêm 13 sản phẩm OCOP đặc thù, nâng tổng số lượng sản phẩm lên 83. Ước tính đến cuối năm 2024 đạt 50 sản phẩm OCOP, gồm 12 sản phẩm 4 sao, 38 sản phẩm 3 sao.
Thị xã Tịnh Biên là một trong những địa phương thuộc khu vực biên giới của tỉnh An Giang giáp với Campuchia, có nhiều thế mạnh về du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Đáng chú ý những năm qua đây là địa phương nổi bật của tỉnh An Giang về phát triển sản phẩm OCOP xuất phát từ nguồn tài nguyên bản địa phong phú, nhiều sản phẩm đa dạng từ thốt nốt.
Nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng
Tính đến tháng 9-2024, Tịnh Biên luỹ kế có 27 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm 6 sản phẩm 4 sao, 21 sản phẩm 3 sao. Hiện tại đã hoàn thành hồ sơ đánh giá cấp huyện và đang tiến hành trình tỉnh đánh giá thêm cho 23 sản phẩm trong đó, có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 17 sản phẩm đạt 3 sao. Ước tính cuối năm 2024, tổng số sản phẩm OCOP đạt 50 sản phẩm gồm 12 sản phẩm 4 sao, 38 sản phẩm 3 sao.
Riêng trong năm 2023, với mục tiêu xây dựng 40 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch, trong đó có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Tịnh Biên đã rà soát có 62 loại mặt hàng, 176 sản phẩm tiềm năng của 131 chủ thể, thuộc 6 ngành, gồm: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch
Như vậy đến nay, Tịnh Biên phát triển 83 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch, đến cuối năm ước đạt 50 sản phẩm OCOP chứng nhận 3 sao, 4 sao.
Theo lãnh đạo thị xã, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng nâng chất lượng, nâng giá trị sản phẩm.
Theo đó, việc cải tiến bao bì bắt mắt, thu hút và phù hợp thị hiếu khách hàng, truy xuất nguồn gốc, dán tem sản phẩm được chú trọng.
Ngoài ra, xã sẽ hỗ trợ cho các chủ thể bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; thực hiện quản lý và bán hàng trên các nền tảng số, đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các điểm bán lẻ, siêu thị….
Tăng cường xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Bên cạnh quan tâm phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng, thị xã Tịnh Biên còn tăng cường các hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh An Giang, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Nhiều hoạt động thiết thực như: giỏ quà OCOP của địa phương được tung ra thị trường trong các dịp lễ, Tết, hội nghị, các điểm du lịch; xây dựng website, in ấn tờ rơi, banner giới thiệu về sản phẩm; tham gia ngày hội đặc sản vùng miền trong và ngoài tỉnh.
Thị xã Tịnh Biên đã xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP Tre Làng toạ lạc tại thị trấn Nhà Bàng và điểm trưng bày OCOP, kết hợp phát triển mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên cây dâu tằm đặt tại xã Thới Sơn.
Ngoài điểm trưng bày tại chỗ, các sản phẩm OCOP được ngành nông nghiệp hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử, phân nhóm sản phẩm đặc thù và tiềm năng để có định hướng hỗ trợ phát triển sản phẩm lâu dài.
Nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, hoạt động xúc tiến thương mại, hiện các sản phẩm OCOP của Tịnh Biên được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài huyện ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, sản phẩm OCOP cũng là sự lựa chọn của nhiều du khách khi đến du lịch tại thị xã, góp phần tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù đã góp mặt trong nhiều sự kiện xúc tiến thương mại như: Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Hội chợ Công thương vùng ĐBSCL, Hội chợ mua sắm và ẩm thực hàng Việt Nam – Thái Lan, Ngày hội bánh dân gian năm 2023.
Sản phẩm OCOP Tịnh Biên đã chuyển mình vươn xa ra khỏi địa giới hành chính địa phương, góp mặt trong hệ thống phân phối lớn, như: Bách Hóa Xanh, Big C, Công ty Antesco, sân bay, điểm bán hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ…, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.