Đang rất vui và bất ngờ khi nhận lại khoản tiền đã chuyển khoản nhầm 4 năm trước, bất ngờ khác ập tới với chị Nga khi lừa đảo ghé thăm, liên quan đến khoản tiền hoàn lại vừa nhận.
Cảnh báo lừa đảo qua mạng - Minh họa của AI
Nhận lại tiền chuyển khoản nhầm của 4 năm trước
Thông tin với Tuổi Trẻ Online, chị Dung (36 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết rất vui vì ngày 17-2, tài khoản ngân hàng của chị bất ngờ nhận được hơn 8,5 triệu đồng cùng nội dung "VU CONG NGA CK, VU CONG NGA HOAN TRA TIEN CHUYEN NHAM NGAY 9-2-2021". Bất ngờ bởi số tiền cộng vào lần này trùng với khoản tiền mà chị đã chuyển khoản nhầm đến một tài khoản khác (cùng chung hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu) vào 4 năm trước.
Thay vì chuyển khoản trả lương tháng cho tài xế công ty, chị Dung khi đó chuyển nhầm hơn 8,5 triệu đồng vào tài khoản một người ở Đắk Lắk.
Biết đã chuyển khoản nhầm người, chị Dung ra ngân hàng để trình báo, làm các thủ tục. "Khi đó, ngân hàng báo đã phong tỏa số tiền đó, báo sẽ liên hệ với người nhận bên kia để ra ký lệnh hoàn trả", chị Dung thông tin.
Tưởng số tiền đó đã "trôi vào dĩ vãng" vì cũng 4 năm rồi, thế nhưng nay chị Dung bất ngờ nhận lại.
"Đợt đó tôi khó khăn, nhưng vì mình sai nên phải bỏ tiền túi trả lương cho anh lái xe. Công ty hỗ trợ 3 triệu, đồng nghiệp hỗ trợ 2,5 triệu", chị kể.
Lừa đảo 'ghé thăm' ngay, liên quan đến khoản tiền hoàn trả
Chị Dung, một số đồng nghiệp, người thân khi biết được hoàn trả số tiền chuyển khoản nhầm từ 4 năm trước đều rất vui mừng và bất ngờ.
Chị lên fanpage cộng đồng ngân hàng đăng bài, muốn nói lời cảm ơn đến chủ tài khoản VU CONG NGA. Không biết được chủ tài khoản kia đã nhận được lời cảm ơn chưa, nhưng lừa đảo nhân cơ hội này đã ghé thăm chị.
Chị kể sau 1 ngày đăng bài lên fanpage, điện thoại chị bất ngờ nhận được cuộc gọi từ đầu số 07773363xx. Đầu dây bên kia là giọng nam giới, tự giới thiệu là "giao dịch viên phòng hỗ trợ 247 Ngân hàng Á Châu".
Kẻ lừa đảo nắm rõ mọi thông tin, đọc đúng số tiền hoàn lại, người thực hiện giao dịch, thời gian giao dịch. Về lý do cuộc gọi, kẻ lừa đảo nói: "Gọi để xác nhận, hoàn tất giao dịch để tránh trường hợp tranh chấp giữa người nhận và người chuyển sau này về mặt pháp lý".
Từ việc yêu cầu cung cấp mã OTP, chị Dung nhận thấy có thể mình đã bị lừa nên vội cúp máy - Ảnh minh họa
Để qua mặt, kẻ lừa đảo nói rằng người chuyển tiền lại vốn định cư ở nước ngoài, nay mới về nước.
Sau ít phút trao đổi, kẻ lừa đảo lấy lý do xác minh thông tin, yêu cầu chị Dung đọc đúng thời gian giao dịch, số tiền đã nhận và đọc đúng tên người chuyển. Kẻ lừa đảo đọc đúng số điện thoại chị đang dùng, rồi yêu cầu chị đọc để đối chứng số CCCD.
Khi chị Dung đọc quá nhanh, kẻ lừa đảo yêu cầu chậm và rõ. Cùng đó dọa "nếu các thông tin cung cấp không trùng khớp thì hệ thống bắt buộc phong tỏa toàn bộ tiền trong tài khoản". Đánh đòn tâm lý, kẻ lừa đảo gắt giọng dọa nếu bị phong tỏa thì phải sau 75 ngày, chị Dung tự ra quầy giao dịch mới được hoàn tiền.
"Bây giờ hệ thống sẽ kiểm tra, nếu đúng số điện thoại mình đã đăng ký và sử dụng, hệ thống Zalopay sẽ gửi về một mã xác minh gồm 6 chữ số đó, đọc to giúp em", kẻ lừa đảo nói.
Thấy liên quan đến mã OTP, chị Dung bày tỏ nghi ngờ bị lừa đảo.
Kẻ lừa đảo lập tức tung chiêu mới: "Chị lưu ý nè, chỉ bên nhân viên ngân hàng mới có thông tin của mình. Em không yêu cầu mình cung cấp mật khẩu đăng nhập, mật khẩu thẻ, không yêu cầu đăng nhập vào đường link. Cuộc gọi này có ghi âm để đảm bảo chất lượng phục vụ sau này.
Em đang xác minh cho mình, nếu sau này tiền bị ảnh hưởng thì hệ thống sẽ đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn vấn đề cho mình. Em là Lê Văn T., mã số nhân viên của em là 10xx. Chị có quyền ghi âm cuộc gọi để làm bằng chứng sau này".
Kẻ lừa đảo liên tục hối thúc, nói rất nhanh, nhắc lại nhiều lần rằng không yêu cầu cung cấp mật khẩu, đăng nhập link, "phải phân biệt giữa nhân viên ngân hàng và lừa đảo", dọa sẽ bị phong tỏa toàn bộ tiền trong tài khoản trong 75 ngày. Người này yêu cầu chị Dung đọc to mã xác minh.
"Thấy yêu cầu gửi mã OTP là tôi nghi rồi, nên không đọc. Tôi tắt máy, gọi tổng đài ngân hàng thì biết không bao giờ ngân hàng gọi cho khách bằng số di động cá nhân cả", chị Dung cho hay.
Không có chuyện gọi điện yêu cầu cung cấp mã OTP
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên viên Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu cho biết không có chuyện gọi điện đến khách hàng để yêu cầu xác minh thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, yêu cầu cung cấp mã OTP, đăng nhập đường link… Vì vậy những trường hợp trên đều là do các nhóm lừa đảo thực hiện.
Về quy trình xác nhận để truy thu, hoàn trả khoản tiền mà khách hàng đã chuyển nhầm sẽ có nhiều bước. Trong đó bao gồm xác minh giao dịch tại thời điểm người gửi, người nhận. Thời gian hoàn trả số tiền chuyển khoản nhầm nhanh hay chậm phụ thuộc vào người nhận. "Trường hợp liên hệ được người nhận, khách hàng xác nhận đó là khoản chuyển nhầm thì ACB sẽ hoàn trả chủ động theo yêu cầu. Trong trường hợp chưa liên hệ được thì sau 30 ngày, ngân hàng sẽ trả kết quả", vị chuyên viên thông tin.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vua-nhan-lai-tien-chuyen-khoan-nham-4-nam-truoc-lua-dao-ghe-tham-ngay-20250219163632465.htm
Bình luận (0)