Chỉ trong khoảng 20 năm cuối thế kỷ 19, số lượng bò rừng bison ở phía nam đồng bằng Bắc Mỹ giảm từ 10 triệu xuống còn 500 con.
Khi bò rừng bison Bắc Mỹ bị tàn sát vào cuối thế kỷ 19, những người Mỹ bản địa sống dựa vào chúng phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Nghiên cứu công bố trên tạp chí The Review of Economic Studies hôm 24/5 cho thấy, nhóm người bản địa này không chỉ giảm chiều cao đáng kể mà tỷ lệ tử vong ở trẻ em cũng tăng và sự thay đổi về chất lượng cuộc sống của họ vẫn tồn tại đến ngày nay.
Bò rừng bison châu Mỹ (Bison bison) là động vật ăn cỏ phân bố chủ yếu ở Bắc Mỹ. Ngoài tự nhiên, tuổi thọ trung bình của loài vật này là 12 – 20 năm. Chúng nặng trung bình 420 – 1.000 kg, dài 2 – 3,5 m chưa tính đuôi. Chúng có cặp sừng cong và sắc nhọn, có thể dài tới 60 cm.
Bò rừng bison là tài nguyên quan trọng với người Mỹ bản địa ở vùng Đại Bình nguyên, Tây Bắc và dãy núi Rocky. Không chỉ làm thức ăn, loài vật này còn đóng góp trong gần như mọi khía cạnh của cuộc sống, từ việc dùng da làm quần áo, chăn, chỗ ở tạm, cho đến dùng xương làm công cụ. Nhưng cuối thế kỷ 19, bò rừng bison gần như tuyệt chủng do sự bành trướng của Mỹ về phía tây.
Năm 1870, có ít nhất 10 triệu con bò rừng bison trong quần thể phía nam của vùng đồng bằng Bắc Mỹ, nhưng chưa đầy 20 năm sau, số lượng giảm xuống chỉ còn 500 cá thể hoang dã. Cuộc tàn sát chủ yếu được thúc đẩy bởi kinh tế và nhu cầu về đất của những người định cư. Ban đầu, việc nông dân Mỹ đưa gia súc đến chăn nuôi dẫn tới sự cạnh tranh về không gian với bò rừng bison. Sau đó, vào những năm 1870, chúng bị săn bắt để lấy da, lúc này đã trở nên dễ thuộc hơn do sự phát triển của ngành công nghiệp da.
Bò rừng bison cũng bị săn để chơi thể thao hoặc do cản đường – công nhân đường sắt sẽ giết đàn bò ở gần bất cứ đường ray nào để ngăn chúng cản trở hành trình của tàu. Quân đội Mỹ cũng khuyến khích giết loài vật này vì chính phủ liên bang hiểu rằng việc tiêu diệt chúng sẽ giúp kiểm soát dân số người bản địa.
Trước khi số lượng bò rừng bison suy giảm, các cộng đồng người bản địa sống dựa vào chúng thuộc nhóm khá giả nhất châu Mỹ. Nghiên cứu học thuật cho thấy mức sống của họ ngang bằng, thậm chí có thể tốt hơn người châu Âu cùng thời. Nhưng việc mất bò rừng bison dẫn đến những tác động tiêu cực kéo dài đối với họ.
Các cộng đồng người Mỹ bản địa phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và đói kém nghiêm trọng. Có bằng chứng cho thấy họ phải ăn ngựa, la, thức ăn bẩn, thậm chí quần áo cũ để tránh chết đói. Việc mất nguồn tài nguyên này khiến họ mất sinh kế và sự ổn định đã tồn tại hàng thế kỷ.
Theo nghiên cứu hôm 24/5 của Donn L. Feir, phó giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Victoria, cùng đồng nghiệp, các cộng đồng phụ thuộc vào bò rừng bison đã giảm 2 – 3 cm chiều cao so với những cộng đồng châu Mỹ bản địa khác không phụ thuộc vào loài vật này. Họ dựa vào dữ liệu do nhà nhân chủng học thể chất Franz Boas thu thập từ năm 1889 đến 1903. Boas đã ghi chép về chiều cao, giới tính và tuổi của gần 9.000 người Mỹ bản địa.
Các nhà khoa học chỉ ra, việc tiêu diệt bò rừng bison dẫn đến tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao hơn đáng kể, gần 16%, vào đầu thế kỷ 20. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy các cộng đồng phụ thuộc vào bò rừng bison đã trải qua một sự dịch chuyển nghề nghiệp quy mô lớn có tác động lâu dài. Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của họ trung bình vẫn thấp hơn 25% so với các cộng đồng không phụ thuộc vào bò rừng bison.
Nghiên cứu mới chỉ ra sự đảo ngược về mức độ giàu có, cung cấp lời giải thích giá trị cho sự phân cụm nghèo đói theo địa lý giữa các cộng đồng người bản địa ở Bắc Mỹ. Theo Feir và đồng nghiệp, nghiên cứu giúp giới chuyên gia hiểu thêm về quá trình khiến những cộng đồng người Mỹ bản địa ở khu vực Đại Bình nguyên có thu nhập thuộc nhóm thấp nhất tại Mỹ.
Thu Thảo (Theo IFL Science)