Luis Chonillo, tân thị trưởng thành phố Duran, Ecuador, đang trên đường đến lễ tuyên thệ nhậm chức thì bị các sát thủ phục kích, xả súng vào đoàn xe.
“Tôi chỉ có hai phút để sống sót”, chính trị gia 39 tuổi nhớ lại thời điểm ông lao vội vào một nhà dân gần đó, trú ẩn trong phòng vệ sinh và thoát nạn.
Hai cảnh sát bảo vệ và một người qua đường thiệt mạng sau vụ ám sát hụt ngày 15/5/2023. Người nhà ông Chonillo phải rời khỏi đất nước và chưa thể trở lại, bởi cảnh sát chưa bắt được nhóm sát thủ, trong bối cảnh Ecuador đối phó với một trong những đợt bùng phát bạo lực băng đảng tồi tệ nhất lịch sử.
“Tôi tự gọi mình là ‘thị trưởng du mục’, nay đây mai đó, không thể ở lại một nơi quá hai đêm”, ông Chonillo nói với Guardian tại một nhà an toàn nằm sâu trong vùng núi ở Ecuador. Ông được cảnh sát hộ tống và chủ yếu làm việc trực tuyến. Kể từ ngày nhậm chức, ông chưa được ngồi vào ghế thị trưởng ở tòa thị chính lần nào.
Tổng thống Daniel Noboa ngày 10/1 tuyên bố Ecuador bước vào chiến tranh với các băng đảng ma túy, hai ngày sau khi ông trùm Adolfo Macias vượt ngục khiến bạo loạn ở nước này bùng phát, các tổ chức tội phạm càng manh động.
Nằm đối diện Guayaquil, thành phố cảng quan trọng nhất Ecuador, bên kia bờ sông Guayas, Duran trở thành trung tâm tập kết chiến lược cho các chuyến hàng ma túy từ Colombia và Peru, hai quốc gia sản xuất cocaine hàng đầu thế giới. Từ đây, ma túy sẽ được chuyển đến Mỹ, châu Âu trong các container hoa quả, thực phẩm.
Trong giai đoạn 2007-2017, Ecuador từng là “ốc đảo yên bình” tại Nam Mỹ, khi cựu tổng thống Rafael Correa chấp nhận đàm phán với các băng đảng. Ông mở ra con đường hoàn lương, rót trợ cấp cho các băng đảng, với điều kiện họ phải đăng ký trở thành tổ chức văn hóa địa phương, chấm dứt mọi hoạt động bạo lực.
Tỷ lệ án mạng tại Ecuador giảm gần 70% trong giai đoạn này. Nhưng tình hình an ninh xấu đi sau nhiệm kỳ của Correa, đặc biệt là từ khi chính phủ nước láng giềng Colombia ký thỏa thuận hòa bình năm 2016 với Tổ chức vũ trang Cách mạng Colombia (Farc).
Phần lớn những tuyến buôn lậu ma túy từ miền nam Colombia đến các cảng Ecuador từng do Farc kiểm soát. Sau khi phong trào ly khai này chấp nhận giải thể theo thỏa thuận hòa bình, các băng đảng ma túy quyền lực tại Mexico tìm cách thế chân. Họ vung tiền, bơm vũ khí để lôi kéo các nhóm tội phạm địa phương tạo hành lang buôn lậu mới.
Kết quả là Guayaquil và Duran trở thành điểm nóng tội phạm. Cơ quan tình báo quân đội Ecuador cảnh báo nước này đã trở thành điểm trung chuyển cho 40% ma túy sản xuất tại Colombia.
Một ngày trước khi tuyên chiến với các tập đoàn ma túy, Tổng thống Noboa liệt 22 băng đảng với khoảng 20.000 thành viên vào danh sách tổ chức khủng bố, biến những nhóm này thành mục tiêu quân sự hợp pháp cho quân đội.
Kể từ khi tuyên chiến với băng đảng, cảnh sát Ecuador đã tiến hành 15.000 chiến dịch trấn áp tội phạm, bắt hàng nghìn người. Thị trưởng Chonillo khẳng định Ecuador sẽ vượt qua thảm họa ma túy. “Đất nước sớm muộn sẽ thoát khỏi cơn ác mộng này, và ghi nhớ nó như một quá khứ đen tối”, ông nói.
Nhưng hiện tại, ông không có lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục làm việc từ xa, tổ chức các cuộc họp trực tuyến để điều hành thành phố giữa bạo lực băng đảng.
Đức Trung (Theo Guardian)