NSND Trà Giang
NSND Trà Giang nổi danh với nhiều bộ phim cách mạng, trong đó phải kể đến phim điện ảnh Vĩ tuyến 17, ngày và đêm.
Trong phim, bà vào vai Dịu – người phụ nữ với “vũ khí” duy nhất là tình yêu quê hương đất nước, tha thiết đấu tranh vì đồng bào của mình. Lòng kiên định và sự dũng cảm của Dịu đã khiến kẻ thù phải kinh sợ.
NSND Trà Giang nói, dù đã đóng một số phim trước đó, bà vẫn còn cảm xúc của một cô sinh viên mới ra trường. Chứng kiến những câu chuyện tại vĩ tuyến 17, bà thấy trong mình dâng lên tình cảm lớn lao dành cho đất nước.
Trong ký ức của nghệ sĩ, quá trình làm phim vô cùng khốc liệt. “Chúng tôi vừa quay phim, vừa sinh hoạt như những người lính nơi chiến trường, nhiều khi thời gian nằm dưới hầm nhiều hơn trên mặt đất”, bà kể lại.
Thậm chí, khi quay được một số cảnh tại vĩ tuyến 17, do chiến trường quá khốc liệt, NSND Trà Giang và đoàn phim buộc phải ra Hà Nội để thực hiện những cảnh quay tiếp theo.
Những thước phim khắc họa thực tế chiến đấu trong Vĩ tuyến 17, ngày và đêm được giới chuyên môn đánh giá cao. Năm 1973, tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva, phim đã giành được giải của Hội đồng hòa bình Thế giới, NSND Trà Giang đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc.
Được biết đến như một gương mặt nổi bật của nền điện ảnh cách mạng nước nhà nhưng Trà Giang sớm chia tay với nghệ thuật sau khi tham gia 17 bộ phim. Điều này để lại nhiều tiếc nuối trong lòng khán giả yêu mến bà.
Từ giã đóng phim, NSND Trà Giang về trường Điện ảnh dạy diễn xuất. Từ khi về hưu năm 1998, nghệ sĩ lại có thêm niềm đam mê với hội họa.
Nhiều năm qua, “chị Dịu” Trà Giang sống một mình trong căn hộ chung cư trên đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 3, TPHCM). Căn hộ không quá lớn nhưng có đủ không gian cho bà sinh hoạt và vẽ tranh.
“Hội họa đối với tôi cũng là một cách thiền. Và tôi nhìn cuộc đời như đứa trẻ lần đầu nhìn thấy, hội họa có cái bản năng nguyên khôi như tranh trẻ thơ chơi đùa với sắc màu…
Tôi vẽ giống như hơi thở, như sự vận động không ngưng nghỉ để khám phá bản chất của tâm thức, loại trừ mọi chất bẩn còn tồn đọng. Và đấy cũng là một phương pháp tu tập”, NSND Trà Giang chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Dù tuổi đã cao, vẻ đẹp của cô Dịu ngày nào vẫn hiển hiện trên gương mặt cũng như thần thái của mỹ nhân dòng phim cách mạng Việt.
Nữ nghệ sĩ tâm sự, mặc dù cả thời trẻ, bà đã “cháy” hết mình cho những vai diễn. Song nhiều năm qua, bà luôn thấy nhớ nghề. Nhiều lúc, Trà Giang cũng muốn nhận lời tham gia một bộ phim, nhưng vì đã có tuổi nên đành gác lại.
NSND Như Quỳnh
Như Quỳnh sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố mẹ là cặp đào – kép nổi tiếng của cải lương Việt Nam là Tiêu Lang – Kim Xuân. Bà tốt nghiệp ngành đào tạo diễn viên của trường Sân khấu Việt Nam (nay là trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội) năm 1971.
Hai năm sau, Như Quỳnh nhanh chóng ghi dấu ấn với vai y tá Mai trong bộ phim cách mạng Bài ca ra trận. Nhưng phải đến vai Nết trong Đến hẹn lại lên, nghệ sĩ mới thực sự tỏa sáng.
Hình ảnh cô Nết – liền chị xinh đẹp, vấn khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân đằm thắm – đã trở thành huyền thoại trong lòng khán giả, gắn liền với sự nghiệp diễn xuất của Như Quỳnh. Vai diễn giúp bà đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3.
Ít ai biết rằng, khi Như Quỳnh được đạo diễn Trần Vũ mời đóng Đến hẹn lại lên, bố mẹ của bà đã rất lo lắng bởi bà là người Hà Nội nhưng lại phải vào vai một cô gái nhà quê của thập niên 1940.
Dù Như Quỳnh cũng có chút “vốn liếng” về đời sống phụ nữ thời xưa nhưng bố mẹ của bà vẫn quyết định dẫn con gái đến nhà giáo sư Hoàng Như Mai để bà được nghe về con gái Kinh Bắc thời xưa, từ đó có hình dung rõ ràng hơn về nhân vật.
Trong quá trình đóng Đến hẹn lại lên, Như Quỳnh nhớ mãi phân cảnh Nết gặp lại người yêu sau nhiều năm xa cách. Bà nói: “Tôi phải khóc nhưng là khóc trong nụ cười hạnh phúc. Đây là cảnh rất khó vì khi đó, tôi mới chỉ 18, 20 tuổi chưa có kinh nghiệm, phải diễn đi diễn lại không biết bao nhiêu lần”.
Sau đó, đạo diễn Trần Vũ phải giải thích, khơi gợi để giúp Như Quỳnh thể hiện được hình ảnh dòng nước mắt trên gương mặt của một người hạnh phúc là như thế nào.
Sau thành công của Đến hẹn lại lên, NSND Như Quỳnh vẫn tham gia diễn xuất không ngừng nghỉ. Nghệ sĩ từng góp mặt trong nhiều bộ truyền hình như Đừng bắt em phải quên, Hương vị tình thân, Hành trình công lý… và dự án mới nhất là phim điện ảnh Chạm vào hạnh phúc.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Như Quỳnh nói, bà thấy may mắn khi ở tuổi gần 70 vẫn được các đạo diễn mời đóng phim.
Trong đời thường, khi không đi làm phim, bà dậy sớm để đi chợ, nấu ăn cho gia đình. Hiện gia đình nghệ sĩ Như Quỳnh ở phố Hàng Đào – một khu phố cổ ở Hà Nội lúc nào cũng nhộn nhịp, ồn ào. Tuy nhiên, bà hạn chế ra ngoài vì thích sự yên tĩnh.
“Tôi thích ở nhà để nấu nướng, đọc kịch bản và hạn chế xuống phố, chắc do tuổi già nên không thích sự náo nhiệt nữa. Dù nhà có người giúp việc nhưng tôi vẫn muốn vào bếp nấu ăn cho chồng con. Chiều rảnh, vợ chồng rủ nhau đi tập thể dục. Ở tuổi 69, tôi chỉ bị đau xương khớp và vẫn đi lại nhanh nhẹn là tốt lắm rồi”, bà nói.
NSƯT Thanh Loan
Năm 1986, phim Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân ra mắt, tạo nên cơn sốt khắp cả nước, trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dự án đưa tên tuổi của nhiều diễn viên đến gần với công chúng, trong đó có NSƯT Thanh Loan thủ vai ni cô Huyền Trang.
Hình ảnh nữ chiến sĩ biệt động khoác áo tu hành với đôi mắt sâu thẳm, cuốn hút cùng tính cách mạnh mẽ, gan góc đã để lại dấu ấn đậm nét với nhiều thế hệ khán giả.
Trước khi nổi tiếng với Biệt động Sài Gòn, NSƯT Thanh Loan từng góp mặt trong nhiều bộ phim như Bài ca ra trận, Tuổi thơ, Bản đề án bị bỏ quên, Phương án ba bông hồng…
Bà thường xuyên được giao những vai cô giáo, giao liên, kỹ sư… hiền lành, nhẹ nhàng. Do vậy, vai diễn ni cô Huyền Trang tạo nên bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của nữ nghệ sĩ.
Thời điểm ấy, bà đã có gia đình, đang làm đạo diễn cho Truyền hình an ninh. Trong chuyến đi công tác vào TPHCM năm 1984, Thanh Loan tình cờ gặp họa sĩ Trịnh Thái, người thiết kế mỹ thuật chính của phim.
Nghe họa sĩ nói chưa tìm được diễn viên đóng vai ni cô Huyền Trang dù phim đã quay 1 năm nay, bà liền đề xuất cho mình đọc kịch bản. Nhận thấy nhân vật có cá tính nổi bật, Thanh Loan quyết định xin phép cơ quan đi làm phim, không biết rằng thời gian quay kéo dài suốt 4 năm.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, Thanh Loan nói vai nữ chiến sĩ biệt động Huyền Trang đến với mình như định mệnh.
“Tôi xem đó là nốt thăng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Mỗi lần nhắc đến, trong tôi luôn dâng lên cảm xúc tự hào vì đã có một vai diễn để đời, sống mãi với thời gian”, bà cho biết.
Để hoàn thành vai diễn, Thanh Loan phải cắt đi mái tóc dài vì ngày xưa không có mũ cao su để nịt đầu. Tiếp đó, nghệ sĩ vào chùa Dược Sư ở 1 tuần, ăn cơm chay và tập cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông, cách đi khất thực để giống như một người tu hành. Mặt khác, bà tập chèo ghe, ngâm mình trong sông nước Nam Bộ…
Dù bỏ đi mái tóc, Thanh Loan lại may mắn nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Chồng bà là một giáo sư, tiến sĩ Toán học, nhiều năm sống ở nước ngoài nên tôn trọng và thông cảm cho nghề nghiệp của vợ.
Khi ấy, vì thời gian quay phim quá dài, bà từng đón bố ruột, mẹ chồng và các con vào đoàn phim. Nghệ sĩ cho biết, mẹ chồng mình cũng tham gia một vai quần chúng trong Biệt động Sài Gòn.
Sau 37 năm, nhiều khán giả vẫn gọi Thanh Loan là ni cô Huyền Trang. Bà chia sẻ với phóng viên Dân trí: “Tôi thấy mình thật may mắn vì có một vai diễn để đời, bước ra ngoài cuộc sống. Nhiều khán giả còn đặt tên con là Huyền Trang dù nhân vật của tôi rất khổ, chịu đựng và gặp nhiều thiệt thòi”.
Ni cô Huyền Trang cũng là vai diễn cuối trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSƯT Thanh Loan. Sau thành công của phim, bà chuyển sang làm đạo diễn phim tài liệu, giữ chức Phó Giám đốc Hãng phim Công an.
Vì vậy, bà không còn thời gian để xuất hiện trên màn ảnh, phần vì không tìm được kịch bản đủ hay và một nhân vật giúp bà vượt qua cái bóng của ni cô Huyền Trang.
Người ta thường nói “hồng nhan bạc phận”, nhưng điều đó lại không đúng với mỹ nhân điện ảnh một thời – Thanh Loan.
Ở tuổi thất thập, dù tóc đã ngả màu pha sương nhưng NSƯT Thanh Loan vẫn mang nét đẹp hiền hậu và thanh lịch. Mỹ nhân màn ảnh một thời với đôi mắt buồn sâu thẳm, từng khiến bao chàng trai “đổ gục” hiện có cuộc sống gia đình bình yên, giản dị bên ông xã.
Bà nói, có lẽ quen ăn theo “kẻng”, ngủ theo giờ, sống chỉn chu nên luôn hài lòng với những gì mình đang có…
Và có thể vì bình yên và vắng bóng quá lâu nên có thời điểm, Thanh Loan dính vào những tin đồn ác ý như bị đánh ghen, tạt axit, đi tu…
Chia sẻ về điều này, “ni cô Huyền Trang” bộc bạch: “Tôi nghĩ là nghệ sĩ, người của công chúng sẽ khó tránh khỏi những tin đồn ác ý và thị phi. Sẽ có nhiều người yêu mến nhưng cũng có người ghét bỏ, đố kỵ và bịa đặt. Đó là chuyện rất đời. Tôi xem nó là bình thường và không để tâm tới”.
Trước câu hỏi: “Ở độ tuổi này, bà sợ nhất là điều gì?”, Thanh Loan cho biết: “Tôi chỉ sợ sức khỏe của mình kém thôi. Tôi là người thích ngao du, đi chơi nên tôi lập nhóm “Hoa chân” để thi thoảng bạn bè, anh chị em nghệ sĩ lại gặp gỡ, giao lưu với nhau”.
NSƯT Thanh Tú
Giai đoạn 1960-1964, NSƯT Thanh Tú dành thời gian học tập tại trường Sân khấu Hà Nội (nay là Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội).
Sau tốt nghiệp, Thanh Tú đóng nhiều phim như Biển lửa, Tiền tuyến gọi, nhưng đến năm 1975, tên tuổi của bà mới vụt sáng với vai nữ cán bộ cách mạng tên Nhu trong phim Sao tháng Tám.
Vai diễn đã giúp nghệ sĩ giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV, năm 1977.
Nhu là nhân vật có nhiều số phận, đòi hỏi diễn viên luôn phải trau dồi năng lực Thanh Tú nói: “Tôi đã phải cố gắng để thể hiện nhân vật Nhu vì lúc đó, tôi còn trẻ, mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm. Nhưng tôi cứ vào vai một cách chân thật thôi, chứ không có kỹ thuật gì nhiều”.
Với Thanh Tú, Sao Tháng Tám là hồi ức đẹp trong cuộc đời nữ nghệ sĩ. Thời gian có thể đổi thay nhưng dấu ấn, chứng nhân lịch sử vẫn còn được nhắc nhớ trong tác phẩm.
Sau bộ phim, Thanh Tú không tham gia diễn xuất nhiều. Nói về sự vắng bóng của mình, Thanh Tú cho biết, ngoài làm diễn viên, bà còn làm công tác đạo diễn. Sau đó công việc chủ yếu là đào tạo cho các thế hệ diễn viên trẻ nên bà không đóng kịch nữa.
Còn với phim truyền hình, nghệ sĩ nói từng nhận một số bộ phim nhưng luôn có cảm giác thể hiện không tới. Bà khẳng định: “Tôi nghĩ một khi mình thôi làm nghề có nghĩa mình khó tiến bộ hơn được, nên mình muốn dừng lại”.
Tháng 11/2022, sau nhiều năm xa rời sân khấu, NSƯT Thanh Tú trở lại với vở kịch Giác, cùng lúc thể hiện 4 vai. Tác phẩm dự thi Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm Hà Nội lần thứ V và đoạt Huy chương vàng.
Với Thanh Tú, sân khấu đến với bà như một định mệnh. Tình yêu với sân khấu kịch đã ăn sâu vào máu, hơi thở và cả nhịp sống đời thường của nghệ sĩ, là “mối tình” đầy duyên nợ, đậm sâu.
Hiện tại, NSƯT Thanh Tú sống tại nhà riêng trong con ngõ nhỏ ở Hồ Tây. Căn nhà bé xinh nhiều cây xanh, giản dị và bình yên. Ba năm nay, bà chuyển về đây sống cùng con gái. Nghệ sĩ nói vui: “Đánh mất tự do vì con cháu”.
Đến thời điểm này, bà vẫn luôn tự hào khi đã tự mình nỗ lực để có cuộc sống như bây giờ. Dẫu trải qua sóng gió hôn nhân, Thanh Tú vẫn cảm thấy bình yên và nhẹ nhõm vì nhận ra được những triết lý sống đúng đắn.
Bà tìm đến đạo Phật để được là chính mình và sống bình yên. Thanh Tú nói: “Đạo Phật giúp tôi ngộ ra được nhiều chân lý sau chuỗi ngày không bình lặng đã đi qua trong cuộc đời tôi. Tôi tự sám hối bản thân khi theo Phật: Tự nhiên chờ cái đến. Thanh thản tiễn cái đi. Yêu những điều không muốn. Tâm nhàn như mây trôi”.
Thế nhưng trong sâu thẳm trong trái tim, người phụ nữ ấy vẫn khát khao và đợi chờ một tình yêu. “Tôi vẫn chờ đợi một “hiệp sĩ” bao nhiêu năm nay trong lòng tôi. Tôi vẫn chờ một điều không bao giờ đến. Nhưng nếu như tôi không chờ, tôi chẳng có lẽ gì để sống nữa”, bà trải lòng.