Ấn Độ làm nên lịch sử khi đưa tàu đầu tiên đáp xuống gần cực nam Mặt Trăng, nơi chứa băng nước quý giá nhưng cực kỳ khó hạ cánh.
Ấn Độ đưa trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 đáp thành công xuống khu vực gần cực nam Mặt Trăng tối 23/8, trở thành nước đầu tiên có thiết bị hạ cánh ở khu vực chiến lược này và là nước thứ 4 có thiết bị hạ cánh trên Mặt Trăng, chỉ sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc. Kỳ tích diễn ra chỉ vài ngày sau khi tàu Luna-25 của Nga đâm xuống đó. Trước đó, trạm đổ bộ của tàu Chandrayaan-2 cũng thất bại trong việc hạ cánh ở cực nam Mặt Trăng.
“Du hành vũ trụ rất khó và hạ cánh trên bề mặt thiên thể khác nằm trong số những việc khó nhất của du hành vũ trụ”, Robert Braun, người đứng đầu Trung tâm Thám hiểm Không gian thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins (Mỹ), nhận xét.
Có vô số lý do dẫn đến đổ bộ thất bại, nhưng trong trường hợp này, lý do lớn nhất là Nga và Ấn Độ đang cố gắng làm một điều cực kỳ khó khăn: Lần đầu tiên hạ cánh ở một nơi chưa ai từng đến. Thành công của Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh Nga vừa thất bại, là một chiến thắng to lớn.
Tài nguyên hấp dẫn
Cực nam Mặt Trăng là bất động sản vũ trụ đặc biệt giá trị nhờ trữ lượng nước đóng băng. Đây cũng được cho là vùng chứa nhiều nước nhất trên Mặt Trăng. Nước đóng băng trong các hố trũng tối tăm có thể được chuyển thành nước uống, phục vụ cho phi hành gia tương lai.
Các quốc gia cũng chú ý tới trữ lượng đó vì nước có thể phân tách thành oxy và hydro. Chúng có thể dùng làm nhiên liệu để phóng tên lửa từ Mặt Trăng tới sao Hỏa mà không chịu gánh nặng trọng lực lớn như phóng từ Trái Đất. Băng nước cũng có thể khai thác để sản xuất oxy thở được cho căn cứ của con người trên Mặt Trăng.
Ngoài Ấn Độ và Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng nhắm đến cực nam Mặt Trăng. Hai cường quốc vũ trụ này hy vọng có thể đổ bộ lên đó trước khi năm 2030 kết thúc.
Nguy hiểm rình rập
Khi xuống gần bề mặt Mặt Trăng, trạm đổ bộ cần giảm tốc, thường phải xoay vòng và xòe các chân đế. Sau đó, khi chạm xuống bề mặt, hệ thống phải đủ chắc chắn để chịu được chấn động. “Rất nhiều điều trong số đó được kiểm chứng qua mô phỏng. Nhưng rất khó để tạo ra bản mô phỏng có độ trung thực cao hoặc chính xác về một điều mà bạn chưa từng trải nghiệm”, Braun nói.
Trong quá trình hạ cánh, mọi thao tác, tính toán và chuyển động đều phải diễn ra chính xác theo đúng thời gian, đúng thứ tự. Bất cứ lỗi nào, bất cứ sai sót nào trong phần cứng hoặc phần mềm đều có thể khiến trạm đổ bộ đâm xuống Mặt Trăng.
Theo Braun, giai đoạn cuối của quá trình hạ cánh là phần khó nhất vì trạm đổ bộ bắt đầu tương tác với bề mặt Mặt Trăng. Nếu chân đế chạm vào một tảng đá, trạm đổ bộ có thể bị lật và nhiệm vụ kết thúc. Ngoài ra, bụi Mặt Trăng có thể làm mờ các dụng cụ và khiến nhiệm vụ không suôn sẻ.
Chính điểm hấp dẫn của cực nam Mặt Trăng – những vùng vĩnh viễn tối và chứa băng nước – cũng khiến việc hạ cánh trở nên khó khăn hơn. Các trạm đổ bộ thường sử dụng camera để đánh giá mặt đất bên dưới theo thời gian thực trong những phút cuối cùng, khi chúng xuống gần bề mặt Mặt Trăng. Sự quan sát này giúp chúng nhận diện những tảng đá và hố trũng cần tránh để không bị lật nhào khi hạ cánh.
Ở cực nam, các trạm đổ bộ có thể bay qua một số vùng bóng tối trải dài, kể cả khi chúng không hạ cánh ở vùng bị bóng tối bao trùm, theo Braun. Điều này có vẻ chưa ảnh hưởng đến các nỗ lực hạ cánh xuống cực nam cho đến nay, nhưng bóng tối có thể đe dọa các nhiệm vụ Mặt Trăng tương lai. Ngoài ra, chưa ai từng đến cực nam trước đây. So với khu vực xích đạo, nơi các tàu Apollo hạ cánh, đó là vùng đất còn rất nhiều bí ẩn.
Thu Thảo (Theo Business Insider)