Chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol được xem là bước phát triển đáng kể cũng như tiền đề để Việt Nam – Hàn Quốc theo đuổi tham vọng đạt kim ngạch thương mại 150 tỷ USD vào 2030.
Gặp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc bên lề chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam cuối tuần trước, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nhấn mạnh cần “khôi phục động lực thương mại” và “làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai nước theo chiều ngang”. Ông nói, đây là nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này do kinh tế thế giới suy thoái.
Theo đánh giá của Tổng thống Hàn Quốc, đáp án để nước này vượt qua cuộc khủng hoảng có thể tìm thấy ở Việt Nam – trung tâm tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đồng thời là thị trường tiêu dùng mới nổi.
Hợp tác thương mại của hai nước cũng đang hướng đến những ngành nghề mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống.
Trong chuyến thăm Trung tâm R&D của Samsung trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Yoon nói hai nước là những đối tác trọng điểm trong nghiên cứu, phát triển – theo Korea Herald. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hai nước và cam kết hỗ trợ các nỗ lực hợp tác nghiên cứu giữa hai bên, nhằm tạo ra giá trị bằng cách kết hợp thế mạnh công nghệ của cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam.
Ông Choi Sang-mok, Cố vấn cấp cao các vấn đề kinh tế của Văn phòng Tổng thống, nhìn nhận chuyến thăm của ông Yoon được xem là bước phát triển đáng kể cũng như tiền đề để hai nước theo đuổi tham vọng đạt kim ngạch thương mại 150 tỷ USD vào 2030.
Năm ngoái, thương mại song phương giữa hai quốc gia là 87,7 tỷ USD, đưa Việt Nam thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đã củng cố vị thế là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Việt Nam.
Ông Chey Tea-won, Chủ tịch tập đoàn SK đồng thời là Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) trong chuyến tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng khẳng định, coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất hàng đầu và đặt cược tương lai tại thị trường này.
“Việt Nam là nơi tốt nhất để đầu tư nhờ vào sự ổn định, hiệu quả trong bối cảnh địa chính trị phức tạp”, Chủ tịch của nhiều chaebol (các tập đoàn gia đình lớn tại Hàn Quốc) nói.
111 thỏa thuận ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước (MOU) cũng đã được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Yoon. Trong số đó, 54 biên bản thuộc lĩnh vực quốc phòng, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm; 28 thoả thuận về thiết lập chuỗi cung ứng, hợp tác trong tương lai; còn lại liên quan đến lĩnh vực công nghệ.
Những lĩnh vực được thỏa thuận cũng nằm trong nhóm đầu tư được Việt Nam quan tâm như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với các doanh nghiệp cũng nêu rõ các đề nghị doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tăng cường rót vốn vào các mảng này. “Tôi mong các doanh nghiệp Hàn tiếp tục có những đột phá để cùng nhau đạt kết quả gấp 3-4 lần trong những năm tới”, ông nói.
Tham dự các chương trình gặp gỡ doanh nghiệp hai nước lần này, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nói đây là cơ hội vàng để hợp tác, đứng trên vai những người khổng lồ. Trong đó, ông lưu ý đến việc tận dụng công nghệ đi trước của Hàn Quốc cũng như đưa hàng hóa ra thế giới. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận cơ hội sẽ luôn đi kèm với thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa phải có sự chuẩn bị kỹ nếu không sẽ mất tự chủ ngay trên sân nhà.
Bên cạnh cuộc chơi của doanh nghiệp hai nước, ở tầm vĩ mô, bộ ngành của Việt Nam – Hàn Quốc cũng có một số ký kết đáng chú ý, tạo tiền đề cho hợp tác lâu dài.
Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã ký MOU về thành lập Korea Plus tại Việt Nam và Vietnam Plus tại Hàn. Đơn vị này nhằm giám sát và thúc đẩy mục tiêu mở rộng thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào 2030.
“Hai nước nhất trí tăng cường các kênh tham vấn công tư để giải quyết khó khăn xuất nhập khẩu và hoạt động của các công ty Hàn tại Việt Nam”, Korea Times dẫn lời của cơ quan ngoại thương nước này.
Đối với hợp tác liên quan đến chuỗi cung ứng, để tận dụng nguồn tài nguyên phong phú của Việt Nam và những công nghệ giá trị gia tăng cao từ Hàn Quốc, hai bên sẽ thành lập Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng Việt – Hàn. Việc hợp tác thăm dò, nghiên cứu và đào tạo giữa hai bên sẽ giúp chế biến các loại khoáng sản cốt yếu của Việt Nam thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngược lại, Hàn Quốc sẽ được đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định, lâu dài.
Ngoài ra, việc thành lập liên doanh giữa công ty của hai nước cũng sẽ được hỗ trợ để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, đa dạng.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ kinh tế Việt – Hàn đã phát triển nhanh chóng. Mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia cũng được đánh giá vượt ra ngoài các thỏa thuận hợp tác và thương mại.
Đức Minh