(NLĐO) – Cùng với 4 ngân hàng, Công ty vàng SJC đã tham gia mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước để bán trực tiếp tới người dân, từ đầu tháng 6-2024 đến nay.
Chiều 9-11, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Công an, cho biết ngày 16-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết thêm trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can về các tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kết quả điều tra bước đầu xác định các bị can đã lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách, chiếm đoạt tài sản. Theo ông Tuyên, Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, mở rộng điều tra, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt.
Liên quan đến giải pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết từ ngày 19-4 đến 29-10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu và 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp ra thị trường với khoảng hơn 13 tấn vàng.
Đến đầu tháng 6-2024, để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp cho Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV.
Từ đó các đơn vị này bán lại vàng miếng cho người dân có đăng ký, với số lượng giới hạn và cùng một mức giá. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Ngân hàng Nhà nước đã bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC theo mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định, căn cứ theo giá thế giới. Cùng ngày, này bán lại cho người dân với giá cao hơn mức giá mua từ Ngân hàng Nhà nước 1 triệu đồng/lượng.
Nhờ đó, giá vàng SJC liên tục giảm hàng triệu đồng/lượng so với trước đó, cách biệt giá vàng trong nước và thế giới ngày càng thu hẹp. Thậm chí, lúc giá vàng SJC được các doanh nghiệp mua vào thấp hơn giá vàng thế giới cả triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, thời gian đầu, hoạt động bán vàng cho người dân gặp nhiều khó khăn do lượng người mua quá lớn. Thời gian sau đó, các đơn vị chuyển sang đăng ký bán vàng trực tuyến. Nhờ đó, hoạt động bán vàng “bình ổn” được thực hiện thuận lợi hơn.
Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước thông báo chủ trương thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp, vàng miếng SJC trên thị trường trong nước được mua bán ở mức 89-92 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (khoảng 25%).
Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5-7%).
Đến thời điểm hiện tại, để mua được vàng bình ổn trực tiếp từ các ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC, khách hàng phải đăng ký mua vàng trực tuyến.
Riêng tại công ty SJC, hiện khác hàng sẽ đăng ký mua vàng miếng SJC trên website, nhập đầy đủ, chính xác các thông tin cá nhân theo hướng dẫn trên màn hình; lựa chọn địa điểm, số lượng vàng mong muốn đặt mua; thông báo đặt lịch thành công bao gồm thông tin về họ tên, số CCCD, thời gian, địa điểm và số lượng theo thông tin khách hàng đã đăng ký…
Khách hàng phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác khi đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến. Nếu có bất cứ thông tin nào không chính xác, nhầm lẫn so với thông tin mà khách hàng đã cung cấp, SJC có quyền từ chối giao dịch.
“Sau đó khách hàng đến địa điểm giao dịch theo địa chỉ và thời gian đã xác nhận lịch hẹn để thực hiện giao dịch. Nếu quá giờ hẹn, SJC sẽ hủy lịch hẹn để phục vụ khách hàng tiếp theo. Khi tới điểm bán để thanh toán và nhận vàng, khách hàng cung cấp mã QR, giấy tờ tùy thân đã khai báo còn hiệu lực theo quy định, bản gốc để đối chiếu và 2 bản photo” – thông báo của công ty SJC nêu rõ.
Được biết, Công ty SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM, có mạng lưới phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trong đó có 36 cửa hàng được phép giao dịch vàng miếng SJC.
SJC được Ngân hàng Nhà nước lấy thương hiệu để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC từ năm 2014.
Cuối ngày 9-11, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 82 triệu đồng/lượng, bán ra 85,8 triệu đồng/lượng, ổn định so với buổi sáng.
Giá vàng nhẫn 99,99 và vàng trang sức các loại được giao dịch quanh 82 triệu đồng/lượng mua vào, 84,8 triệu đồng/lượng bán ra, ổn định so với buổi sáng.
Nguồn: https://nld.com.vn/cong-ty-vang-bac-da-quy-sai-gon-sjc-tham-gia-ban-vang-binh-on-nhu-the-nao-196241109200548738.htm