Công nghệ số ngày nay đã thâm nhập và mang đến những bước tiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Việc bảo tồn di sản cũng không nằm ngoài xu hướng này. Với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ, việc bảo tồn di sản hiện nay đã mở rộng ranh giới ra ngoài nhiệm vụ của các bảo tàng, nhà nghiên cứu. Nó đã trở thành một quá trình tương tác và hoà nhập vào đời sống cộng đồng. Từ những di sản vật thể như các công trình kiến trúc, hiện vật cổ, cho đến các di sản phi vật thể như lễ hội truyền thống, âm nhạc dân gian … Công nghệ số đang mang lại một hướng tiếp cận mới, hiệu quả hơn và bền vững hơn cho việc bảo tồn.
Trong quá khứ, việc bảo tồn di sản thường đòi hỏi những phương pháp bảo quản vật lý truyền thống, đôi khi gặp khó khăn trong việc ngăn ngừa sự hao mòn do thời gian và yếu tố tự nhiên. Công nghệ số – khả năng số hóa dữ liệu đã tạo nên những phương tiện bảo tồn hoàn toàn mới. Những di tích, hiện vật có thể được quét 3D và tái hiện với độ chính xác cao, lưu trữ vĩnh viễn trong không gian số. Không chỉ giúp bảo vệ trước những tác động bên ngoài, việc số hóa còn tạo ra cơ hội tái dựng lại những di sản đã bị mất mát hoặc hư hại qua thời gian.
Trong thời đại hiện nay, sự ra đời của công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đã mở rộng cách tiếp cận của con người đối với di sản văn hóa. Giờ đây, mọi người có thể khám phá những di tích lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa ngay tại nhà thông qua các thiết bị công nghệ. Thay vì phải đến các địa điểm thực tế, người dùng chỉ cần vài thao tác đơn giản để bước vào không gian ảo, nơi họ có thể tương tác, trải nghiệm di sản như đang hiện diện trong thời gian và không gian thực. Điều này không chỉ gia tăng khả năng tiếp cận cho công chúng mà còn mở ra một phương thức giáo dục hiệu quả về lịch sử, văn hóa.
Bên cạnh đó, công nghệ số cũng thúc đẩy quá trình bảo tồn di sản thông qua việc lưu trữ thông tin một cách có hệ thống và khoa học. Thay vì chỉ phụ thuộc vào các phương tiện lưu trữ truyền thống như sách, tài liệu in ấn, các dữ liệu số hóa được sắp xếp, phân loại và có thể truy cập một cách nhanh chóng, dễ dàng. Các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn có thể tiếp cận hàng nghìn, thậm chí hàng triệu dữ liệu liên quan đến di sản trong một thời gian ngắn, giúp tối ưu hóa quá trình nghiên cứu và bảo vệ.
Một khía cạnh nổi bật khác của công nghệ số trong bảo tồn di sản là khả năng lan tỏa thông tin và thu hút sự chú ý của công chúng. Những dự án bảo tồn số hóa không còn bị giới hạn bởi không gian địa lý, mà có thể tiếp cận hàng triệu người trên toàn cầu thông qua internet. Những bộ phim tài liệu, bài viết, hình ảnh về di sản văn hóa giờ đây có thể được chia sẻ một cách rộng rãi, từ đó thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ – đối tượng luôn có mối quan tâm đặc biệt đối với công nghệ.
Thách thức lớn nhất trong việc áp dụng công nghệ số vào bảo tồn di sản có lẽ nằm ở cách làm sao để nội dung số hóa thực sự hấp dẫn và gần gũi với người xem. Không phải lúc nào những câu chuyện về quá khứ cũng có thể ngay lập tức thu hút sự chú ý giữa vô số thông tin hiện đại và giải trí trên không gian mạng. Do đó, việc xây dựng những sản phẩm số hóa về di sản cần sự kết hợp giữa công nghệ, sáng tạo và tính thẩm mỹ cao, để vừa giữ được giá trị nguyên bản, vừa tạo nên sự mới mẻ, lôi cuốn.
Thành công của việc bảo tồn di sản thông qua công nghệ số luôn cần sự tham gia của cộng đồng và những người yêu văn hóa. Di sản văn hóa không phải là thứ có thể tách rời khỏi cuộc sống thường nhật, mà là phần hồn gắn liền với đời sống của một dân tộc. Việc cộng đồng hiểu và trân trọng những giá trị di sản, từ đó tham gia tích cực vào quá trình bảo tồn, chính là yếu tố then chốt giúp công nghệ phát huy hết tiềm năng của mình trong lĩnh vực này.
Tương lai của bảo tồn di sản bằng công nghệ số đang trở nên hứa hẹn với sự phát triển không ngừng của các giải pháp kỹ thuật. Công nghệ vừa giúp chúng ta lưu giữ những giá trị đã qua, đồng thời còn góp phần lan tỏa và phát triển những di sản đó theo những cách thức hoàn toàn mới mẻ và hiện đại. Những di sản không còn là những mảnh ghép của quá khứ, mà đang trở thành cầu nối giữa hiện tại và tương lai, góp phần xây dựng nền tảng văn hoá dân tộc vững chắc trên hành trình hội nhập với thế giới.
Hoàng Anh