Một cánh cổng dẫn vào hang động dưới lòng đất ở Thổ Nhĩ Kỳ tỏa ra khí CO2 ở nồng độ mạnh đến mức có thể giết chết động vật và con người vào ban đêm hoặc sáng sớm.
Được tái phát hiện vào năm 2013 khi các nhà khảo cổ học Italy lần theo một suối nước nóng, cổng địa ngục ở thành phố cổ đại Hierapolis, ngày nay nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ, là một cổng vào bằng đá dẫn tới hang động nhỏ. Cổng vào này nằm trên bức tường của một đấu trường lộ thiên hình chữ nhật, bên trên có đền thờ và bao quanh là ghế đá nhô cao dần dành cho khán giả.
Bản thân thành phố nằm ở một trong những khu vực hoạt động địa chất mạnh nhất trong vùng. Cách đây 2.200 năm, các suối nước nóng tại đây được cho là có khả năng chữa bệnh. Nhưng một khe nứt sâu nằm bên dưới Hierapolis thường xuyên phun ra carbon dioxide (CO2), tràn ra dưới dạng sương mù có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Cánh cổng có tên Diêm Vương được xây trực tiếp bên trên đó. Năm 2011, các nhà khảo cổ học chứng minh cánh cổng vẫn gây chết chóc. Những con chim bay quá gần nó đều bị ngạt chết.
Năm 2018, nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà sinh vật học núi lửa Hardy Pfanz ở Đại học Duisburg-Essen tại Đức nghiên cứu chi tiết hơn mối đe dọa từ cánh cổng. Pfanz và cộng sự đo nồng độ CO2 ở khán đài theo thời gian. Trong ngày, hơi ấm Mặt Trời làm khí gas tan đi. Nhưng vào ban đêm, khí gas hơi nặng hơn không khí cuộn lên và hình thành một “hồ” CO2 trên sàn đấu trường. Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm vào bình minh, khi nồng độ CO2 ở độ cao 40 cm phía trên sàn đấu trường đạt 35%, đủ để gây ngạt thở và giết chết động vật hoặc thậm chí con người trong vòng vài phút, theo Pfanz. Nhưng nồng độ CO2 sẽ giảm nhanh khi lên cao hơn.
Các thầy tu ở đền thờ nhiều khả năng hiến tế vào đầu buổi sáng hoặc chiều tối, khi nồng độ CO2 cao nhất. Động vật hiến tế không đủ cao để vươn đầu cao hơn hồ CO2. Khi bị chóng mặt, đầu chúng thậm chí hạ xuống thấp hơn, khiến chúng tiếp xúc với nồng độ CO2 cao hơn, dẫn tới tử vong do ngạt thở. Tuy nhiên, những thầy tu khá cao nên đầu của họ ở phía trên khí gas độc hại, thậm chí họ có thể đứng trên bậc đá.
Strabo, một sử gia Hy Lạp cổ đại ghé thăm cổng Diêm Vương ở Hierapolis cách đây 2.000 năm, ghi chép thầy tu thậm chí đưa đầu vào trong cánh cổng và không bị ảnh hưởng. Pfanz cho rằng thầy tu ý thức được môi trường hóa học ở địa phương. Ví dụ, họ cẩn thận tránh tới quá gần cánh cổng vào thời điểm khác ngoài buổi trưa, khi đền thờ tương đối an toàn. Nhà khảo cổ học Francesco D’Andria ở Đại học Salento tại Lecce, Italy, trưởng nhóm nghiên cứu phát hiện cổng Diêm Vương ở Hierapolis năm 2011, không chắc chắn. Nhóm của ông tìm thấy nhiều chiếc đèn dầu quanh cổng địa ngục, chứng tỏ thầy tu vẫn đến gần đó vào ban đêm bất chấp nồng độ CO2 nguy hiểm.
An Khang (Theo IFL Science/Science)