Gần đây, thương lái đua nhau gom mãng cầu xiêm trước cơn sốt trà làm từ loại quả này.
Trà mãng cầu đang trở thành thức uống được người tiêu dùng săn đón. Chỉ trong vài tháng, loại trà này đã vào thực đơn nhiều hàng quán ở TP HCM, Hà Nội, được ưu tiên treo biển quảng bá như món mới.
Mỗi cốc trà mãng cầu, có giá từ 25.000 đến 40.000 đồng, tùy quy mô, loại hình cửa hàng. Chủ một cửa hàng trà ở TP HCM cho biết, chỉ trong một tháng, chuỗi này bán được hơn 3.000 ly trà mãng cầu.
Điều này đã kéo giá nguyên liệu chính là mãng cầu xiêm (hay mãng cầu gai) tăng cao.
Chị Loan, ở quận 5, TP HCM cho biết thường xuyên mua mãng cầu gai về làm sinh tố nhưng khá bất ngờ khi trong vòng 2 tháng, loại này tăng giá hai lần. Tháng 3, mỗi kg mãng cầu xiêm tại chợ chỉ 35.000 đồng nhưng đầu tháng 4 là 50.000 đồng và nay là 80.000 đồng một kg.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống ở TP HCM cho thấy, mãng cầu xiêm được bán ở nhiều cửa hàng trái cây. Chị Hạnh, tiểu thương chợ Xóm Mới (Gò Vấp), kể, nhờ “trend” trà mãng cầu, loại này trở nên sốt giá. “Tôi nhập về đã 50.000 đồng một kg nên giá bán ra ở mức 60.000 đồng”, chị Hạnh nói.
Là thương lái chuyên thu mua trái cây ở Tây Nguyên, chị Thanh Mai cũng từng mua mãng cầu tại vườn có giá chỉ 10.000 đồng một kg, thậm chí nhà vườn không bán vì rẻ. Nhưng hơn một tháng nay, mọi người đua nhau thu gom với giá 20.000-40.000 đồng một kg.
“Vừa qua, tôi gom ở Đắk Lắk được khoảng 2 tấn mãng cầu xiêm nhưng không đủ cung ứng cho đối tác vì họ đặt hàng 5 tấn một tuần”, chị Mai nói.
Theo giới buôn trái cây, mãng cầu xiêm đang được thu gom ồ ạt nên nhiều thương lái thu mua theo xô khiến sản phẩm kém chất lượng. Nhiều trái mãng cầu chưa tới ngày chín nhưng đã bị hái để bán nên khi di chuyển vào TP HCM thường bị thối, ăn sượng và giảm độ ngọt.
Mãng cầu xiêm, còn gọi là mãng cầu gai, thịt quả ngọt và hơi chua, hạt có màu nâu sậm. Mãng cầu xiêm Việt được trồng nhiều ở Nam Bộ và rải rác ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, loại này từng được đề nghị đưa vào danh sách ưu tiên đàm phán vào thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam đã bán sản phẩm dưới hình thức sơ chế (bóc vỏ, đóng hộp) hoặc sản xuất các loại trà khô. Chúng đang là sản phẩm được khách quốc tế ưa chuộng.
Thi Hà