Đã từng đọc những truyện ngắn được dịch và đăng rải rác trên các báo, tạp chí văn học vài năm trở lại đây, nay đọc lại 28 truyện ngắn chọn lọc trong tập “Con mèo đen” (Nguyễn Thống Nhất chuyển ngữ, Nhà xuất bản Thuận Hóa – 2023) vẫn còn nguyên cảm thức thú vị, ấn tượng đầy lạ lẫm khi tiếp cận những tác giả văn học cận – hiện đại Nhật Bản.
Tôi chọn đọc “Ghét rượu” đầu tiên vì không thể bỏ qua tên tác giả. Bạn đọc Việt Nam hẳn không còn xa lạ với tuyệt tác “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu, nhà văn nổi tiếng thuộc “trường phái vô lại” sau Thế chiến II, có khuynh hướng nổi loạn và tự hủy, phản ảnh qua chính bi kịch cuộc đời ông. “Uống rượu suốt hai ngày. Tối hôm kia và hôm qua, uống liên tục hai ngày, sáng nay phải làm việc nên dậy sớm, vào nhà vệ sinh rửa mặt, bất chợt nhìn, một hộp có 4 chai. Trong hai ngày đã uống hết 4 hộp”. “Ghét rượu” thực chất là tâm cảm loay hoay xử lý mấy chai rượu với những người bạn, nhưng người đọc thấy lại giọng văn hài hước u mặc quen thuộc của ông, nói hết những tuyệt vọng theo cách chân thật nhất, nỗi thất lạc trong cõi người ta.
Tôi cũng đọc “Con mèo đen”, truyện ngắn của Shimaki Kensaku lấy làm tựa cho tập sách. Một con mèo đực, màu đen, to gấp rưỡi con mèo bình thường, đường bệ, “cô liêu nhưng kiêu căng ngạo nghễ, tràn đầy ý chí chiến đấu…”, “nếu là người thì đương nhiên đã là một lãnh chúa”. “Trong khi những kẻ đồng loại sâu bọ, ti tiện, xu nịnh thì có được nơi ngủ ấm áp, được cho ăn uống, còn như nó thì bị bỏ rơi”. Con mèo đen bị ghét bỏ cuối cùng đã bị giết, “mẹ đã giải quyết xong rồi”, đã biến mất theo cách rất nhanh gọn, “chỉ còn lại những con thấp hèn lượn lờ xung quanh”. Cốt truyện đơn giản về một con mèo nhưng đã nói lên nỗi chán chường căm ghét trước thói đời cũng như thầm phản kháng xã hội đương thời, một xã hội “buồn tẻ và ngu ngốc như cái căn bệnh không biết đến bao giờ mới khỏi”.
Cứ thế, người đọc đi qua 28 gương mặt văn chương không hẳn là tác giả danh tiếng và quen thuộc lâu nay mà chỉ được chọn lựa một cách ngẫu nhiên, bởi “một người đọc thưởng thức và tìm hiểu” bình thường nhằm đem đến một góc nhìn rộng hơn, phong phú hơn về văn đàn Nhật Bản thời kỳ cận, hiện đại. Nhiều truyện ngắn mang hơi hướm trinh thám (Đêm ở cánh đồng gai, Con nhện, An tử thuật, Kẻ man rợ, Lòng bàn chân); phong cách kỳ bí huyền ảo (Quả trứng); hiện thực xã hội (Con chuồn chuồn mất đầu, Sầu nhân thế…). Và đặc biệt những truyện ngắn viết về tình yêu day dưa những vẻ đẹp của mất mát, ngang trái, u uất (Bức tranh thêu, Giao thời, Sinh sản nhân tạo, Vào mùa mưa…)…
Những truyện ngắn trong tập “Con mèo đen” được sáng tác từ nửa sau thời Minh Trị Duy Tân đến nửa đầu thời Chiêu Hòa, giai đoạn đánh dấu sự hình thành các lưu phái văn học cận, hiện đại ở Nhật Bản, thể hiện sự hòa nhập và giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa Nhật Bản với phương Tây, phản ánh không chỉ thực trạng và những diễn biến chính trị xã hội Nhật Bản trong buổi giao thời cải cách mở cửa với thế giới mà còn là tấm gương phản chiếu thái độ tư tưởng phức tạp của các nhà văn Nhật Bản.
Chúng ta từng đọc những tác phẩm nổi tiếng của văn học hiện đại Nhật Bản được dịch sang tiếng Việt, những “Xứ tuyết” của Kawabata, “Rừng Na-Uy” của Murakami Haruki, “Đèn không hắt bóng” của Watanabe Jyun-ichi,… Tuy nhiên, hầu hết những tác phẩm này thường được dịch qua bản tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nga và chỉ rất ít được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật vốn hết sức trúc trắc và mơ hồ. Chính vì vậy, việc chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Nhật của Nguyễn Thống Nhất đem đến cho người đọc những trang văn bay bổng, rạng rỡ, tinh tế, u hoài… là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Và đáng vui mừng hơn nữa, là Huế nay có thêm một dịch giả văn chương đĩnh đạc.