Sáng 6/7, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ – tác giả của những tác phẩm quen thuộc như: Truyện cổ nước mình, Khoảng trời và hố bom, Bài thơ không năm tháng… – đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 74 tuổi.
Sự ra đi của bà để lại nhiều tiếc thương cho người thân, bạn bè và những người yêu thơ ca. Tang lễ của bà diễn ra ấm cúng tại nhà riêng ở TPHCM với sự có mặt của con cháu, bạn bè thân thiết.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Hoàng Dạ Thư – con gái lớn của nữ thi sĩ – cho biết mẹ chị ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản trong giấc ngủ. Khi hay tin, em gái của chị là Hoàng Dạ Thi, đang sống ở Mỹ, lập tức đặt vé máy bay trở về Việt Nam để tiễn đưa mẹ lần cuối.
“Dự kiến sáng 8/7, Thi sẽ về đến Việt Nam, kịp tiễn đưa mẹ. Sáng 9/7, gia đình sẽ đưa linh cữu của mẹ hỏa táng, sau đó mang về thờ tại nhà riêng”, chị Hoàng Dạ Thư chia sẻ.
Theo lời chị Thư, mẹ chị mang nhiều bệnh trong người cách đây nhiều năm. Thời gian qua, mọi chuyện sinh hoạt của bà đều cần người hỗ trợ.
Chị Thư giãi bày: “Mẹ mắc chứng suy giảm trí nhớ nên đã lâu, bà không nhớ ai hay nhớ điều gì. Cạnh đó, mẹ còn bị bệnh xương khớp, tay chân hay run. Mấy năm nay, việc ăn uống của bà cũng cần hỗ trợ bằng ống”.
Chị Thư cũng chia sẻ thêm, cha của chị – nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường (SN 1937) – nay tuổi cũng đã cao và đã trải qua nhiều lần tai biến nên gia đình cũng chuẩn bị tâm lý.
Chị Thư kể: “Cha từng bị tai biến cách đây hơn 20 năm, di chứng bị liệt. Vài năm gần đây, ông lại gặp vấn đề sức khỏe, khiến tinh thần, trí nhớ không còn được tốt. Mẹ ra đi, ông cũng không ý thức được. Nhiều năm qua, tôi luôn kề cận chăm sóc cho ông bà”.
Con gái của bà Lâm Thị Mỹ Dạ cho hay, gia đình đã dự định đưa di hài của mẹ về Huế. Song, vì sức khỏe của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường rất yếu, nên chị Thư không thể tách rời.
“Tôi phải luôn kề cận cha. Có lẽ đến khi cha “trăm tuổi già”, gia đình sẽ đưa cả cha và mẹ ra Huế – nơi ông bà từng gắn bó nhiều năm. Đến lúc đó, chúng tôi sẽ tổ chức một đêm kỷ niệm cho cả ông và bà”, chị Thư chia sẻ.
Nói về những di sản văn học của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, con gái bà cho biết từ khi sức khỏe của mẹ không còn cho phép, chị đã đảm đương việc coi sóc, xuất bản các tác phẩm của bà.
“Việc ấn phẩm những tác phẩm của bà để kỷ niệm thì gia đình chưa nghĩ tới nhưng hiện tại, một tập sách gồm các tác phẩm của cha cũng đang được thực hiện, dự kiến ra vào tháng 9”, chị Thư cho hay.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Sinh thời, bà sống cùng chồng là nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường tại Huế. Về sau, vợ chồng bà chuyển vào TPHCM sống cùng con gái lớn Hoàng Dạ Thư.
Lâm Thị Mỹ Dạ bắt đầu nổi tiếng từ năm 1971, sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với bài Khoảng trời, hố bom. Đây cũng là tác phẩm từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn cấp 3.
Không chỉ vậy, nhắc đến tên bà, lớp học sinh đều nhớ ngay đến bài thơ Truyện cổ nước mình – một tác phẩm in trong sách Tiếng Việt lớp 4.
Bà Lâm Thị Mỹ Dạ còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du, tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV.
Trong sự nghiệp thơ ca, Lâm Thị Mỹ Dạ từng giành nhiều giải thưởng danh giá. Sinh thời, nữ tác giả từng nói: “Thơ vừa là nơi gây cho mình nhiều vết thương cũng vừa là nơi xoa dịu, nhưng cũng không hẳn là một khu vườn chữa bệnh. Vì nếu như vậy, ai cũng nhảy vào đó.
Thơ như cuộc đời đầy tràn vết thương. Trên đường đi vào thể nào cũng bị cào rách nát, nhưng khi đến được thì đó là đích cuối cùng”.