Các đại học Trung Quốc thăng tiến vượt bậc trên bảng xếp hạng thế giới, hai trường áp sát top 10, vượt qua nhiều tên tuổi của Mỹ và Anh, được cho là do đầu tư hào phóng của chính phủ.
Năm 2012, bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education (THE) chỉ có 10 đại học Trung Quốc xuất hiện. Nhưng từ năm 2020 trở lại đây, hơn 80 trường của quốc gia này đã tham gia và được xếp hạng, trong đó năm 2022 có tới 97 trường.
Với bảng xếp hạng của tổ chức QS, số đại học Trung Quốc cũng tăng dần. Như trong giai đoạn 2021-2024, số trường từ 51 tăng lên thành 71.
Về thứ hạng, các đại học của Trung Quốc tăng rõ rệt. Trong đó, Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh vươn lên mạnh mẽ nhất. Như ở bảng xếp hạng của THE, Đại học Thanh Hoa từ vị trí 71 vào năm 2012 đã lên vị trí 12 trong kỳ xếp hạng năm nay. Tương tự, Đại học Bắc Kinh từ vị trí 49 lên 14.
Việc hai đại học của Trung Quốc tiến gần hơn vào top 10 đại học tốt nhất thế giới là điểm đáng chú ý trong kỳ xếp hạng năm nay của THE. Hai trường này thậm chí vượt qua những tên tuổi thường xuyên góp mặt ở top đầu như Đại học Johns Hopkins, Pennsylvania, Columbia hay Cornell của Mỹ.
Tính trong top 200, Trung Quốc có 13 trường góp mặt. Mở rộng ra top 400, Trung Quốc có 30 đại diện, tăng gấp đôi so với năm 2021.
Thứ hạng của các đại học thuộc nhóm C9 – nhóm tinh hoa, được coi như “Ivy League” của Trung Quốc, trên bảng xếp hạng của THE giai đoạn 2012-2024 như sau:
Đại học | Năm 2012 | Năm 2014 | Năm 2016 | Năm 2018 | Năm 2020 | Năm 2022 | Năm 2024 |
Thanh Hoa | 71 | 50 | 47 | 30 | 23 | 16 | 12 |
Bắc Kinh | 49 | 45 | 42 | 27 | 24 | 16 | 14 |
Giao thông Thượng Hải | 301-350 | 301-350 | 301-350 | 188 | 157 | 84 | 43 |
Phục Đán | 226-250 | 201-225 | 201-250 | 116 | 109 | 60 | 44 |
Chiết Giang | 301-350 | 301-350 | 251-300 | 177 | 107 | 75 | 55 |
Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân | 350-400 | – | 501-600 | 501-600 | 401-500 | 501-600 | 168 |
Khoa học và Công nghệ Trung Quốc | 192 | 201-225 | 201-250 | 132 | 80 | 88 | 57 |
Nam Kinh | 251-275 | 251-275 | 251-300 | 169 | 144 | 105 | 73 |
Giao thông Tây An | – | – | 501-600 | 501-600 | 501-600 | 401-500 | 251-300 |
Trên bảng xếp hạng đại học thế giới của QS, các đại học Trung Quốc cũng giữ thứ hạng cao. Như năm 2024, Đại học Bắc Kinh hạng 17, Thanh Hoa 25, Chiết Giang 44, Giao thông Thượng Hải hạng 51.
Sự cải thiện về thứ hạng của các trường đại học Trung Quốc được cho là do chính sách tài trợ hào phóng của chính phủ, cùng sự cam kết quốc tế hóa, cải cách giáo dục và đổi mới nghiên cứu, theo THE.
PGS.TS Mai Ngọc Anh, trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết từ năm 2019, ông cùng hai cộng sự là PGS.TS Đỗ Thị Hải Hà, TS Nguyễn Đăng Núi đã nghiên cứu về sự phát triển của các đại học ở Trung Quốc.
Theo nhóm nghiên cứu, kế hoạch xây dựng các trường đại học đẳng cấp ở Trung Quốc được chuẩn bị từ năm 1995 với ba chương trình lớn là dự án 211 (năm 1995), dự án 985 (năm 1998) và World Class 2.0 (năm 2017).
Từ năm 1984 đến 1993, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư 910 triệu nhân dân tệ (gần 3.120 tỷ đồng) để xây dựng 81 phòng thí nghiệm cấp quốc gia. Ngoài ra, thông qua dự án 211, hơn 17 tỷ nhân dân tệ được rót vào 100 đại học trọng điểm để nâng cao chất lượng.
Đến năm 1998, Trung Quốc thực hiện dự án 985. Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa là hai trường đầu tiên tham gia dự án này trong vòng 3 năm liên tiếp (tính từ 1999) với kinh phí khoảng 1,8 tỷ nhân dân tệ một năm. Sau đó, 7 trường khác được nhận đầu tư. Nhóm này được gọi là C9, nhận tổng đầu tư khoảng 14 tỷ nhân dân tệ.
Năm 2000, 30 trường khác được Chính phủ Trung Quốc đầu tư với số kinh phí là 18,9 tỷ nhân dân tệ, trong đó hai phần ba chi cho phát triển hạ tầng, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.
Đến năm 2017, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố World Class 2.0 – chương trình quốc gia vươn tới hai mục tiêu là phát triển cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế và đào tạo hàng đầu thế giới.
Đây là cơ sở để các đại học tái cơ cấu, đầu tư thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu dẫn ví dụ về Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải. Trường này được đưa vào danh sách đầu tư trọng điểm theo dự án 211 từ năm 1994, rồi dự án 985 vào năm 1999. Nhờ kinh phí đầu tư mạnh mẽ từ hai chương trình này, trường cơ cấu lại thành cơ sở đào tạo đa ngành, tăng tính quốc tế. Năm 2018, trường thu hút mới 278 nhân sự cấp cao, gồm những người đoạt giải Nobel và chuyên gia kỹ thuật. Năm 2019, Đại học Phúc Đán mở cơ sở ở Budapest (Hungary), vận hành một số trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở các nước chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, hợp tác với trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh) và khởi động các chương trình hợp tác với trường Y Harvard (Mỹ)… Với quá trình đầu tư bài bản như vậy, cùng năm này, trường lọt top 43 (theo bảng QS) và top 104 (theo bảng THE) đại học hàng đầu thế giới.
“Nhờ nhất quán trong chính sách quốc gia cũng như có kế hoạch dài hạn và nhất quán khi đầu tư đưa các đại học trong nước tham gia xếp hạng thế giới, Trung Quốc đã xác lập các mục tiêu, lộ trình và đầu tư, lồng ghép hiệu quả trong nhiều chương trình đầu tư lớn”, nhóm nghiên cứu của PGS Mai Ngọc Anh nhận định.
Nhiều học giả quốc tế cũng lý giải tương tự. Một số nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín nhấn mạnh các dự án trên của Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các đại học. Minh chứng rất rõ là phần lớn sản lượng nghiên cứu của Trung Quốc thuộc về các đại học trong các dự án này (khoảng 57,5% ấn phẩm Web of Science, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc năm 2019).
Trong khi đó, nghiên cứu khoa học là tiêu chí chiếm trọng số cao nhất trong hầu hết bảng xếp hạng đại học thế giới hiện nay. Điểm trung bình ở tiêu chí này của các đại học Trung Quốc trên bảng xếp hạng THE năm nay đã tăng 12 điểm phần trăm so với năm ngoái.
Denis Simon, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Duke Kunshan ở Giang Tô, đánh giá tích cực về khả năng các trường đại học Trung Quốc lọt vào top 10. Theo ông, sự phát triển của Trung Quốc là điểm nhấn của thế kỷ 21, nên không có gì ngạc nhiên khi hệ thống giáo dục đại học nước này tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo dù các đại học Trung Quốc đang rất mạnh, các trường nằm ngoài top 25 trong nước có chất lượng giảm sút rõ rệt, không như Mỹ – nơi sinh viên được thụ hưởng chất lượng giáo dục đẳng cấp thế giới ở khoảng 100 trường.
“Trung Quốc phải rất thận trọng để không tạo ra hệ thống giáo dục phân nhánh, trong đó chỉ có một vài trường đại học ưu tú và phần lớn còn lại là các trường tầm trung”, Denis bày tỏ.
Hiện, Trung Quốc có gần 2.700 cơ sở giáo dục đào tạo các trình độ từ đại học trở lên nhưng chỉ hơn 140 trường được hưởng các chính sách đầu tư đặc biệt. Ông Denis cho rằng nước này nên đầu tư vào các ngành học, cơ sở hạ tầng và thư viện trên diện rộng để thu hẹp những chênh lệch như hiện tại.