Ngày 1.6, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, theo báo cáo của các nhà mạng, tính đến hết tháng 5, 4/5 tuyến cáp quang biển quốc tế gặp sự cố thời gian qua đã được sửa xong, khôi phục lại kênh truyền trên các tuyến, gồm: IA, SMW-3, AAE-1, AAG.
Trong đó, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG chiếm phần lớn dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế đã khôi phục lại toàn bộ dung lượng trên tuyến trong tuần cuối của tháng 5. Tuyến cuối cùng là APG dự kiến sẽ được khôi phục trong tháng 6
Theo các chuyên gia, việc 4 tuyến cáp biển IA, SMW3, AAE-1 và AAG hoàn thành sửa chữa, khôi phục hoạt động bình thường, chất lượng dịch vụ internet Việt Nam sẽ được cải thiện do có nhiều lựa chọn kết nối hơn và độ trễ tốt hơn như khi lưu lượng chạy phần lớn qua cáp đất liền. Các nhà mạng cũng sẽ linh hoạt hơn trong việc điều hướng lưu lượng, đảm bảo chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho khách hàng.
Trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng mới thêm 4 – 6 tuyến cáp quang biển để bảo đảm đáp ứng nhu cầu, phù hợp với dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 – 2030.
Dự kiến đến năm 2025, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sử dụng sẽ khoảng 10 tuyến cáp quang biển. Việc đi vào hoạt động của các tuyến cáp quang biển mới sẽ góp phần bổ sung thêm dung lượng, nhằm giải quyết nhu cầu kết nối internet đi quốc tế.
Mặc dù thời gian để chuẩn bị đầu tư và việc triển khai một tuyến cáp quang biển thường mất nhiều năm nhưng đầu tư cho hạ tầng là việc vô cùng quan trọng để đảm bảo sự hoạt động cho sự gia tăng nhanh của các thiết bị IoT, của chuyển đổi số trong thời gian tới.
Trước đó, các tuyến cáp quang biển hiện tại của Việt Nam (chiếm tới 99% lưu lượng từ trong nước đi quốc tế) gồm AAE-1 (lỗi từ cuối tháng 11.2022), APG (lỗi từ tháng 12.2022), AAG (lỗi từ tháng 1.2023), IA (lỗi từ cuối tháng 1.2023).
Tới tháng 2.2023, tuyến cáp biển “già nhất” là SMW-3 gặp sự cố, đánh dấu lần đầu tiên cả 5 hướng kết nối xuyên biển của Việt Nam bị trục trặc.