TP HCMCác ý tưởng sáng tạo cần được doanh nghiệp hỗ trợ để trở thành hiện thực, giúp đạt mục tiêu tăng trưởng, ứng dụng vào cuộc sống phục vụ xã hội.
Thông điệp được ông Trần Văn Tùng, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Đề án 844, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại sự kiện tổng kết và định hướng hoạt động Làng tạo tác động xã hội và Làng design thinking, trong khuôn khổ Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) 2023 tổ chức tại TP HCM chiều 23/11.
Theo ông Tùng, với một doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) quá trình hình thành, tăng trưởng và phát triển cần trải qua nhiều bước. Loại hình doanh nghiệp này không phải là một dự án thuần túy mà phát triển dựa trên ý tưởng sáng tạo, có khả năng tăng trưởng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Ông lấy dẫn chứng, cách đây 2 tuần, một nhà sáng chế đưa ra giải pháp đưa hàng trăm người ở các tầng cao của chung cư, tòa nhà cao tầng xuống đất chỉ trong vài phút khi có hỏa hoạn xảy ra. Các nhà đầu tư quốc tế khi tiếp xúc với nhà sáng chế này đã đàm phán giá trị ý tưởng lên tới hàng tỷ đồng. “Đây chỉ mức đàm phán cho ý tưởng chưa bao gồm việc phát triển máy móc, trang thiết bị, mô hình hoạt động cho công nghệ này”, ông Tùng nói về giá trị của ý tưởng sáng tạo. Sau khi đàm phán các bên, nhà sáng chế này được giới thiệu với một tập đoàn lớn trong nước, đàm phán việc mua ý tưởng, triển khai thực tế ứng dụng vào các tòa nhà. Dự án này cũng được nhiều doanh nghiệp khác quan tâm.
Từ câu chuyện này, ông Tùng cho rằng, thực tế người Việt có ý tưởng sáng tạo rất lớn. Các nhà sáng chế cần được sự ủng hộ của xã hội, sự đồng hành của doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ họ hiện thực hóa ý tưởng. Ông mong muốn mô hình này ngày càng được lan tỏa bằng sự quan tâm của doanh nghiệp như câu chuyện trên, giúp những sáng chế có thể phát triển thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, biến ý tưởng thành sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Ông Tùng cho biết hiện có khoảng 34 làng công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực với vai trò hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là sáng kiến do những người làm khởi nghiệp, nhà tư vấn, người hoạt động trong hệ sinh thái đưa ra trên tinh thần tự nguyện, giúp hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo của người Việt có thể phát triển, nhân rộng, trở thành startup trong tương lai. “Bộ Khoa học và Công nghệ rất ủng hộ mô hình này và sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước”, ông nói. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia ở ba miền Bắc – Trung – Nam. Các địa phương, tổ chức đoàn thể dần hình thành các trung tâm này để hỗ trợ cho khởi nghiệp.
Theo ông Trần Xuân Đích, Cục phó Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), những năm qua thông qua các chuỗi sự kiện Techfest với quy mô ngày càng lớn, sự tham gia của các làng công nghệ ngày càng nhiều, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp và sự phát triển hệ sinh thái ngày càng quy mô. “Tôi mong rằng, cộng đồng khởi nghiệp luôn tìm tòi cái mới, sáng tạo giúp phát triển hệ sinh thái vững mạnh”, ông Đích nói.
TS Dương Thị Kim Liên, Trưởng làng tạo tác động xã hội, cho biết năm 2023 đơn vị tổ chức 15 hội thảo, 3 cuộc thi khởi nghiệp với nhiều hoạt động hỗ trợ các dự án startup. Riêng mỗi cuộc thi có hơn 120 nhóm khởi nghiệp tham gia. Các dự án xuất sắc được đối tác Hàn Quốc đào tạo trong 2 tuần, được hỗ trợ cố vấn, không gian làm việc chung trong 6 tháng…Các dự án cũng được hỗ trợ kết nối, tìm nhà đầu tư để phát triển trong giai đoạn tiếp theo. “Chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu đưa các ý tưởng có giá trị đến những nhà đầu tư và đồng hành các dự án hỗ trợ nhiều nguồn lực giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Liên nói.
Hà An