Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói chi 400 tỷ giao Bộ Giáo dục làm một bộ sách vừa lãng phí vừa không phù hợp về pháp lý, đề nghị đánh giá tác động trước khi quyết định việc này.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 24/10, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu quốc hội Đà Nẵng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, băn khoăn về căn cứ khoa học, pháp lý và thực tiễn của đề xuất nghiên cứu giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một bộ sách giáo khoa. Đề xuất này được nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở phổ thông hồi tháng 8.
Bà Thúy dẫn văn bản sau đó của Văn phòng Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về chính sách của các nước về sách giáo khoa, tỷ lệ quốc gia ở châu Âu, Đông Nam Á mà nhà nước không chủ trì biên soạn sách hay số quốc gia mà sách giáo khoa toàn bộ do tư nhân biên soạn.
“Không hiểu vì sao Đoàn giám sát có thể đưa ra một kết luận quan trọng như vậy về sách giáo khoa khi chưa có và chưa hề nghiên cứu về chính sách sách giáo khoa của các nước”, bà Thúy đặt vấn đề.
Ngoài ra, Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Đại biểu Thúy cho rằng việc này sau đó không thực hiện được do không huy động đủ tác giả. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo biên soạn sách theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước và trả lại cho Ngân hàng Thế giới khoản tiền vay 16 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng).
Qua xem xét báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 122. Theo đó, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.
Do đó, bà Thúy cho rằng nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách thì vừa gây lãng phí vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Bà lo ngại việc này làm nhà đầu tư giảm niềm tin vào chính sách của Nhà nước.
Về thực tế, bà nói ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình (2020), ba nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa, với số tiền trên 1.200 tỷ đồng.
Bà Thúy đặt câu hỏi có cần thiết chi 400 tỷ đồng từ ngân sách để làm thêm một bộ sách. Ngoài ra, bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo có khiến trở lại độc quyền như trước và xóa bỏ xã hội hóa hay không.
“Việc quyết định giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói, cho rằng việc này không nhận được sự đồng tình của chuyên gia, giáo viên và người dân. Bà đề xuất sau năm học 2024-2025, khi việc thay sách hoàn thành ở tất cả khối lớp sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình.
“Lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói.
Đề xuất nghiên cứu giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đã được thảo luận nhiều lần và gây ý kiến trái chiều.
Tại phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông chiều 14/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc. Đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu để hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình. Do đó, ông cho rằng việc Bộ biên soạn sách không chỉ ảnh hưởng tới chủ trương xã hội hóa mà còn có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà ngành đang hướng tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Vinh, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng chương trình chỉ quy định khung kiến thức, còn nội dung kiến thức phổ thông cũng đặc biệt quan trọng, được thể hiện cụ thể ở sách giáo khoa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng xã hội hóa nhưng vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Do đó, ông đề nghị Bộ này thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Nghị quyết 88 là biên soạn bộ sách giáo khoa của nhà nước.