(ĐS 21/6) – Lâu nay, chăn nuôi trang trại ở các địa phương vẫn gặp những khó khăn về bảo vệ môi trường, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi liên kết… Từ thực tế này, Quảng Nam bắt đầu thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong quản lý chăn nuôi.
Nuôi gà công nghệ cao
Trang trại chăn nuôi gà Bình Minh tại thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa (Duy Xuyên) là đơn vị đầu tiên thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi trang trại của tỉnh Quảng Nam.
Doanh nghiệp này đầu tư trang thiết bị hiện đại, thực hiện các bước tự động hóa ghi chép, công khai các số liệu từ đầu vào sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho đến đầu ra cho sản phẩm trứng, đồng thời thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đạt hiệu quả tốt nhất hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam tại thời điểm tháng 4/2023: Tổng đàn gia súc đạt 546.330 con, tổng đàn gia cầm: 8.880.000 con. Tổng đàn chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 19,43%, với 13 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 163 trang trại quy mô vừa và 226 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Trong đó tập trung chủ yếu tại các địa phương Phú Ninh, Núi Thành, Điện Bàn, Tiên Phước, Đại Lộc.
Bà Trương Thị Hồng Nhân – Phó Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Nam cho biết, chi cục đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
Qua khảo sát thực trạng, chi cục đã chọn Công ty TNHH Trang trại công nghệ cao gà Bình Minh thực hiện thí điểm chuyển đổi số trong chăn nuôi.
Chi cục phối hợp với Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng hướng dẫn chủ cơ sở sử dụng phần mềm và thực hiện nhập dữ liệu vào phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam (VFSC).
Ông Lê Ngọc Quang – quản lý kỹ thuật Công ty TNHH Trang trại công nghệ cao gà Bình Minh thông tin: Trang trại chăn nuôi gà Bình Minh đang nuôi 60 nghìn con gà đẻ trong nhà lạnh khép kín, nhiệt độ trong trang trại luôn được làm mát phù hợp với đặc điểm sinh lý của gà.
Nhạc trong trại được mở với âm lượng vừa đủ, giai điệu nhẹ để ổn định tâm lý. Môi trường đó tạo cho đàn gà cảm giác thư thái nên sức khỏe tốt, sản lượng trứng ổn định, mỗi ngày trang trại thu khoảng 54 nghìn quả trứng cung cấp ổn định cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tất cả công đoạn từ cho ăn, chăm sóc, kiểm soát nhiệt độ và phòng bệnh đều số hóa nên giảm tối đa công lao động. Trang trại sử dụng đệm lót sinh học nên môi trường bên trong và bên ngoài luôn an toàn sạch sẽ.
Xu thế tất yếu
Bà Trương Thị Hồng Nhân chia sẻ, với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, trong năm 2023, từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, chi cục tiếp tục đồng hành với chủ cơ sở thực hiện các bước đánh giá sản phẩm trứng gà, thiết kế bao bì đóng gói sản phẩm, tem điện tử; đăng ký mã số, mã vạch; hỗ trợ xây dựng trang trại thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Sau khi kết thúc phương án thí điểm, chi cục sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, trên cơ sở kết quả đạt được sẽ nhân rộng mô hình ra phạm vi toàn tỉnh.
Trên địa bàn Quảng Nam hiện có 402 trang trại gia súc, gia cầm quy mô khác nhau. Hình thức chăn nuôi chủ yếu là liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và các hội, câu lạc bộ theo phương thức chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT nói, trang trại chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn đang phát triển mạnh, trong đó hình thức liên kết trong chăn nuôi đã mang lại hiệu quả bước đầu cho người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại Quảng Nam là các trang trại chưa quyết liệt triển khai chuyển đổi số trong chăn nuôi.
“Không chuyển đổi số sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi. Bởi, khi gia nhập sâu kinh tế thị trường, sản phẩm chăn nuôi bắt buộc phải có đầy đủ thông tin xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, đạt các chứng chỉ theo quy định của Việt Nam và nhiều tổ chức khác.
Quảng Nam đang nỗ lực hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi số lĩnh vực chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng thu nhập cho người dân trong những năm đến và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững” – ông Tích cho hay.