Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) thao túng thị trường chứng khoán và đề nghị truy tố 51 bị can ở 4 nhóm tội danh. Trong đó, ông Quyết bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.
Trong 8 nội dung yêu cầu điều tra bổ sung, Viện KSND tối cao đề nghị tách hành vi của ông Trần Văn Toản là quân nhân liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trịnh Văn Quyết, chuyển cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát Quân sự T.Ư để xử lý theo thẩm quyền.
Quá trình điều tra bổ sung, C01 xác định trong số những người giúp sức cho ông Quyết cùng đồng phạm thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản có ông Trần Văn Toản (49 tuổi, trú P.Cổ Nhuế 2, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là giảng viên Khoa Quân chủng phòng không không quân (thuộc Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng).
Ngày 19.2, C01 có quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan trong vụ án để chuyển hồ sơ sang Cơ quan An ninh điều tra hình sự Bộ Quốc phòng điều tra theo thẩm quyền.
Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án, công an còn nhận được đơn của 685 nhà đầu tư tố cáo ông Quyết và đồng phạm có hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đồng thời đề nghị được bồi thường thiệt hại với 6 mã chứng khoán nhóm FLC. Những đơn này đã được C01 phân loại để giải quyết.
Kết quả xác định các nhà đầu tư mua cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC, không có căn cứ để xem xét giải quyết do không có căn cứ xác định thiệt hại của hành vi thao túng thị trường chứng khoán do ông Quyết và đồng phạm gây ra đối với 5 mã cổ phiếu này theo kết luận giám định của Bộ Tài chính.
Đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS, C01 xác định nhóm này là bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Faros của ông Quyết.
Đối với 126 đơn của các cá nhân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các pháp nhân Tập đoàn FLC, Công ty CP FLC Quy Nhơn Golf & Resort, ông Trịnh Văn Quyết… C01 đã phân loại, chuyển cơ quan điều tra các địa phương để giải quyết theo thẩm quyền.
Với 44 đơn của 33 cá nhân ký hợp đồng đặt mua trái phiếu của Tập đoàn FLC phát hành tháng 12.2021 với giá 10.000 đồng/trái phiếu, lãi 12%/năm cùng tố cáo Ngân hàng Quốc dân (NCB) không xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trước khi bán trái phiếu, bán trái phiếu không đúng đối tượng; Tập đoàn FLC dùng tiền bán trái phiếu không đúng mục đích…C01 xác định việc mua trái phiếu với Tập đoàn FLC là tranh chấp dân sự. Nếu các bên không thỏa thuận, thống nhất được có thể khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo quy định.