Ngày 5/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố không tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nam Phi.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ không tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20, tổ chức trong các ngày 20-21/2 tại Johannesburg tại Nam Phi. (Nguồn: X) |
Theo kênh truyền hình Samaa TV, quyết định trên được Ngoại trưởng Rubio đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa cắt viện trợ cho Nam Phi để đáp trả đạo luật của Cape Town cho phép chính phủ tịch thu đất mà không bồi thường trong một số trường hợp nhất định.
Cuộc họp của các ngoại trưởng G20 dự kiến diễn ra vào ngày 20-21/2 tại Johannesburg, đánh dấu nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Nam Phi.
Viết trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Mỹ Rubio chỉ trích: "Nam Phi đang làm những điều rất tệ".
Theo người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ, nhiệm vụ của ông là "thúc đẩy lợi ích quốc gia, không phải lãng phí tiền thuế của người dân hay dung túng cho chủ nghĩa bài Mỹ", đồng thời xác nhận việc ông sẽ vắng mặt trong các cuộc họp của G20 ở Nam Phi.
Luật tịch thu tài sản mà ông Rubio đề cập, được chính quyền của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông qua vào tháng trước, cho phép tịch thu đất mà không cần bồi thường nếu được coi là "công bằng và bình đẳng" và vì lợi ích công cộng, chẳng hạn như trong trường hợp tài sản không được sử dụng.
Bộ luật này nhằm giải quyết sự chênh lệch về chủng tộc trong quyền sở hữu đất đai, một di sản của chế độ phân biệt chủng tộc, nơi người Nam Phi da màu chiếm hơn 80% dân số nhưng lại nắm giữ chưa đến 5% đất nông nghiệp tư nhân. Ngược lại, người Nam Phi da trắng sở hữu phần lớn đất nông nghiệp mặc dù chỉ chiếm 7% dân số.
Chính quyền Tổng thống Trump đã chỉ trích mạnh mẽ luật này, với việc ông chủ Nhà Trắng cáo buộc chính quyền ông Ramaphosa "tịch thu đất đai" và đối xử tệ với các nhóm nhân khẩu học cụ thể. Mỹ hiện đã đóng băng viện trợ cho Nam Phi để phản đối luật trên.
Tuy nhiên, Tổng thống Ramaphosa đã bảo vệ luật này, khẳng định Cape Town không tịch thu bất kỳ mảnh đất nào và chính sách này nhằm đảm bảo việc người dân được tiếp cận đất đai một cách công bằng.
Ông giải thích, đây là một bước cần thiết để giải quyết tình trạng bất bình đẳng do chế độ phân biệt chủng tộc để lại và là một phần của quy trình bắt buộc theo luật định theo hiến pháp Nam Phi.
Quyết định của Ngoại trưởng Rubio thuận theo xu hướng tiếp cận của Mỹ với ngoại giao đa phương hiện nay, đó là rút khỏi các chương trình và tổ chức quốc tế, như Hiệp định khí hậu Paris, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cắt giảm tài trợ cho một số cơ quan của Liên hợp quốc, sáp nhập Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) vào Bộ Ngoại giao.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chua-hoa-giai-xong-khuc-mac-voi-nam-phi-my-tay-chay-hoi-nghi-ngoai-truong-g20-303404.html
Bình luận (0)