Chủ tịch TP.HCM tham vấn chuyên gia về tăng trưởng hai con số trước biến động thế giới

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ08/02/2025

Với độ mở lớn, nền kinh tế TP.HCM sẽ chịu tác động rất lớn trước biến động của nền kinh tế thế giới. Chuyên gia gợi ý TP.HCM áp dụng nghị quyết 98, để thúc đẩy tăng trưởng hai con số trong tình hình mới.


Chủ tịch TP.HCM tham vấn chuyên gia về tăng trưởng hai con số trước biến động thế giới  - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu - Ảnh: THẢO LÊ

Sáng 8-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết 98. Một trong những vấn đề quan trọng được hội đồng đưa ra thảo luận tại phiên họp lần này là các giải pháp giúp TP.HCM tăng trưởng hai con số, trước bối cảnh tình hình thế giới đang biến động mạnh.

Tình hình thế giới biến động ảnh hưởng lớn đến TP.HCM

Phát biểu mở đầu phiên họp, TS Trần Du Lịch - chủ tịch hội đồng - đặt vấn đề kinh tế thế giới những ngày qua đang biến động dữ dội trước hàng loạt chính sách mới mà tổng thống Mỹ đưa ra. 

Ông Lịch cho rằng với độ mở lớn, nền kinh tế TP.HCM sẽ chịu tác động rất lớn. Ông đề nghị các chuyên gia cùng thảo luận, áp dụng nghị quyết 98 để gợi ý các giải pháp giúp TP.HCM tăng trưởng hai con số trước biến động này.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng mục tiêu tăng trưởng hai con số được lãnh đạo TP.HCM xác định là nhiệm vụ rất thách thức. Tuy nhiên, TP.HCM đặt ra mục tiêu cao để phấn đấu và phấn đấu này có cơ sở.

Ông Mãi nhìn nhận bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang chuyển biến rất nhanh, có tác động rất lớn. Ông Mãi chỉ ra vấn đề cần quan tâm trước mắt là hoạt động của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phản ánh qua con số thành lập mới và giải thể.

"Chúng ta phải phân tích làm sao vượt qua những thách thức trước mắt, có như thế mới hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài", ông Mãi nói.

Bên cạnh đó, TP.HCM cùng cả nước đang đứng trước cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy. Như vậy phương thức quản lý, điều hành nền kinh tế sẽ có sự thay đổi lại, thông qua việc thay đổi tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, ông Mãi cho biết TP nhận được gợi ý của Bộ Nội vụ về việc không tổ chức HĐND ở quận, phường. 

Trong đó, riêng mô hình UBND chỉ có chủ tịch, phó chủ tịch và hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. Mô hình này sẽ tạo sự thay đổi lớn trong cách quản lý ở chính quyền các cấp.

Dự kiến tháng 5 này, TP.HCM sẽ tổng kết nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị. TP.HCM đang tiếp cận việc sẽ đề xuất Luật Quản lý đô thị đặc biệt sau nghị quyết 131. 

Tuy nhiên trong bối cảnh đổi mới thể chế hiện nay, liệu cách tiếp cận này còn phù hợp không, hay TP.HCM góp ý vào hệ thống pháp luật hiện nay.

"Thời gian qua đến năm 2024, TP cố gắng tái cơ cấu những nền tảng cơ bản, tạo động lực phát triển từ phát triển hạ tầng. Tuy nhiên vấn đề thể chế, bộ máy phải phù hợp với đô thị TP.HCM. Năm 2025, TP.HCM phải hoàn thiện nền tảng này để bắt đầu nhiệm kỳ mới", ông Mãi nói.

Tìm động lực tăng trưởng mới

Chủ tịch TP.HCM tham vấn chuyên gia về tăng trưởng hai con số trước biến động thế giới - Ảnh 3.

ThS Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - Ảnh: THẢO LÊ

Góp ý tại phiên họp, ThS Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho rằng để tăng trưởng hai con số bền vững thì phải liên tục tìm kiếm các động lực kinh tế mới. Kinh nghiệm từ các nước thì cứ 5-10 năm phải tạo ra một nền kinh tế mới trong một thành phố. Đó là các động lực từ các khu thương mại tự do, các đặc khu kinh tế...

Với TP.HCM, ông Thành chỉ ra các động lực mới như đề án đường sắt đô thị, khu thương mại tự do tại Cần Giờ, trung tâm tài chính, thành lập các thành phố mới trong thành phố sau thành phố Thủ Đức.

Tuy nhiên, để thành phố khơi thông được các động lực này phải có những cơ chế chính sách đặc thù mạnh hơn từ Trung ương.

Về giải pháp trước mắt, ông Thành cho rằng TP.HCM phải tháo gỡ nhanh các dự án bất động sản. Trung ương phải mở ra các cơ chế thông thoáng để TP.HCM tháo gỡ sớm, tái khởi động các dự án để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần phải đưa ra các chính sách khuyến khích hơn 400.000 hộ kinh doanh đăng ký trở thành doanh nghiệp, tạo động lực mở rộng quy mô kinh doanh.

Chủ tịch TP.HCM tham vấn chuyên gia về tăng trưởng hai con số trước biến động thế giới - Ảnh 4.

Các chuyên gia góp ý trực tuyến cho phiên họp - Ảnh: THẢO LÊ

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật - cho rằng tốc độ tăng năng suất lao động của TP.HCM thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của cả nước. Nếu 5 năm trước năng suất lao động của TP.HCM gấp 2-3 lần cả nước, thì đến nay chỉ còn khoảng 1,5 lần.

Phân tích cơ cấu nền kinh tế, ông Khánh cho rằng ngành dịch vụ của thành phố chiếm 65%, trong đó 3 ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu đóng góp hơn 20%, 6 ngành dịch vụ truyền thống khác chiếm 36. Công nghiệp chế biến, chế tạo còn 16%. 

Trong đó, xu hướng lao động đang chuyển dịch từ ngành chế biến chế tạo sang 3 ngành dịch vụ đổi mới sáng tạo, riêng tài chính ngân hàng chiếm 50%.

Như vậy, ông Khánh cho rằng TP.HCM cần tập trung phát triển 3 ngành đổi mới sáng tạo toàn cầu. Trong đó cần phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM, phát triển Fintech (công nghệ tài chính). 

Trong năm 2025, TP.HCM nên đề xuất thí điểm sandbox (chính sách thử nghiệm có kiểm soát) tại TP.HCM. Đồng thời phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho trung tâm tài chính quốc tế.

Tăng trưởng 8% và sau đó thêm 2%

Góp ý về các giải pháp để TP.HCM tăng trưởng hai con số, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng để đạt được mục tiêu này, TP.HCM nên chia thành hai giai đoạn: tăng trưởng 8% và tiếp tục các giải pháp để tăng trưởng thêm 2%.

TP.HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài khoảng 500.000 tỉ đồng. Tuy nhiên muốn thu hút phải có đất đai với giá cả hợp lý. TP phải giải quyết nhanh các khu công nghiệp để có đất sạch, giá cả hợp lý...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính môi trường đầu tư kinh doanh, hiện nay đang rất ách tắc, tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng kinh tế xã hội.

Với 2% tăng trưởng thêm, TP.HCM có thể khai thác từ các động lực mới như Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cùng với khu thương mại tự do, khu đô thị lấn biển.

Bên cạnh đó là các động lực về đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực văn hóa, du lịch... Với những động lực này, ông Ngân cho rằng TP.HCM hoàn toàn có thể tăng trưởng hai con số nếu khai thác hiệu quả.



Nguồn: https://tuoitre.vn/chu-tich-tp-hcm-tham-van-chuyen-gia-ve-tang-truong-hai-con-so-truoc-bien-dong-the-gioi-20250208115850874.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available