Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hành trình kết nối của Đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số Thành phố.
Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trong tiềm thức, mỗi người dân Việt Nam đều tự hào là “con rồng, cháu tiên”, cùng chung nguồn cội, đều là anh em một nhà.
Đảng, Nhà nước luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược quan trọng, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và nhân tố có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội khóa XV được bầu ra với cơ cấu đại biểu đại diện đầy đủ cho các giới trong xã hội, trong đó, đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm 17,84%, cao nhất trong 15 khóa Quốc hội, lần đầu tiên có thêm đại diện của hai dân tộc thiểu số rất ít người (Lự và Brâu); có 5 vị chức sắc tôn giáo; 119 nhà giáo và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tỷ lệ đại biểu có trình độ chuyên môn, học vấn cao (12 Giáo sư, 20 Phó Giáo sư, 144 tiến sĩ, 248 thạc sĩ)… Quốc hội đã có những hình thức hoạt động linh hoạt hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Lần đầu tiên, công tác dân nguyện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào trong chương trình phiên họp hằng tháng…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng cuộc gặp mặt này là minh chứng cho sự thống nhất ý chí và hành động, ý thức trách nhiệm của những công dân Thủ đô tiêu biểu, vì sự phát triển chung của thành phố Hà Nội và cả nước. Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, năm 2023, kinh tế – xã hội của Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát với nhiều kết quả nổi bật, toàn diện, nhất là sau đại dịch Covid-19, cả về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội, là một trong ít địa phương ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.
Đạt được kết quả như trên, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội, có sự đóng góp rất đáng trân trọng các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số, các vị nhân sỹ, trí thức đang sinh sống, làm việc, sinh hoạt tại thành phố.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu, đề xuất của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Hà Nội với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được, đang đứng trước sứ mệnh lịch sử. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thời điểm này, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được đưa ra rà soát, hoàn thiện tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 5/2024. Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có ưu điểm không có tính chất “luật khung, luật ống” như trước, mà có những nội hàm, những chính sách hết sức cụ thể, có thể thực hiện được ngay. Các cơ quan có thẩm quyền đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hai quy hoạch này cần được trình Quốc hội cho ý kiến. Trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và hai quy hoạch được trình, khi được nhất trí, thông qua cùng một lần sẽ tạo ra một khung khổ pháp lý rất lớn cho Thủ đô phát triển.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, nhất là cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Khơi dậy khát vọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố sáng tạo, Thành phố vì hòa bình, trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế; quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Cùng với đó là tập trung ưu tiên hoàn thành thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, đồng đều, bền vững và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến phát biểu của đại biểu cho rằng Thủ đô Hà Nội cần đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/12/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Cùng với đó, Thành phố thực hiện các chủ trương về vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước; có biện pháp hiệu quả để bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thành phố huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Nhấn mạnh thành tựu phát triển người dân phải được hưởng, do đó là thành phố có điều kiện hơn các địa phương khác, Hà Nội cần phát huy tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Các đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, là hạt nhân trong mọi phong trào; lan tỏa, định hướng, truyền cảm hứng cho các lực lượng xã hội khác, nhất là cho thế hệ trẻ góp phần tích cực vào tiến trình phát triển của Thủ đô Hà Nội và của cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội thực hiện tốt chức năng, quyền hạn; tạo điều kiện cho nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp xây dựng, phát triển đất nước.